GIẢI A
NẮNG TRÊN THÁNH GIÁ
Tác giả: LÊ QUANG TRẠNG
– Sinh viên trường Đại học An Giang
Một số anh em ở xa, mỗi dịp về Chợ Mới đều nhờ tôi dắt sang Cù Lao Giêng chơi. Ấn tượng đầu tiên của mấy anh em là ngôi Thánh đường trang nghiêm và cổ kính, tiếng chuông mỗi chiều vang xa như thể lắng đọng lòng người. Càng bất ngờ hơn khi được biết đây là ngôi Thánh đường được người Pháp khởi công xây dựng đầu tiên ở xứ Nam Kỳ. Ngôi Thánh đường mang đậm kiến trúc Tây phương nằm trên mảnh đất cù lao với cảnh sắc sông nước hữu tình, người dân mến khách làm nao nức lòng người.
Lần nào cũng vậy, sau khi chuẩn bị kết thúc hành trình, tôi đưa đoàn đến một khu đất Thánh nhỏ, sau tu viện Phanxicô. Dưới tán cây cồng già che mát cả một khu đất với khoảng năm mươi ngôi mộ ngã màu thời gian, trang nghiêm và cổ kính. Đây là nơi an nghỉ của những vị Linh mục phương Tây sang truyền đạo ở Đông Dương. Họ đến với vùng đất nhiệt đới gió mùa để gieo mầm niềm tin vào Thiên Chúa, không cầu kỳ, không cầu lợi. Đến lúc Chúa gọi về, các Linh mục ấy nhẹ nhàng, thanh thản ra đi, thân xác mãi yên nghỉ trên chính mảnh đất “xứ người” mà họ hết lòng mến yêu xem như là quê hương thứ hai của mình. Cảnh chiều về trên cánh đồng phía xa, mặt trời chiếu những tia nắng cuối ngày qua Thánh giá. Tượng Chúa trang nghiêm ở giữa đất Thánh bao dung như chính tấm lòng của Người và những vị Linh mục quên mình vì sứ mệnh thiêng liêng. Ai nấy đều ngậm ngùi…
Có anh bạn nói: “Dân mình coi trọng thân xác sau khi chết, dù khó khăn mấy cũng phải đem về dù một nắm xương tàn. Còn các Cha, đã sống hết mình với sứ mệnh ở quê hương chúng ta, đến lúc về với đất cũng ở lại đây với chúng ta, thật cao cả biết bao”. Người dân địa phương nói rằng, đôi lúc cũng có những đoàn khách nước ngoài đến viếng, chắc là thân nhân của những Linh mục nằm lại nơi đây. Nhưng họ không bốc cốt đem về vì “Các Cha đã trở thành thân thuộc với các con chiên ở đây, thì làm sao đem các Cha đi cho đành”. Các vị Linh mục ấy ở đây, mãi ở lại với xứ sở này, nơi các vị đã đem Đức tin đến gieo và chăm sóc.
Tôi về lật lại những trang sử cũ mới biết rằng, vào đầu thế kỷ 18, dưới thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, do ban nhiều chỉ dụ cấm truyền bá đạo Thiên Chúa giáo gắt gao nên một số người theo đạo (có cả các Cha cố người Pháp) đã đến Cù Lao Giêng lẩn tránh, mở đất, lập Giáo đường. Thuở ấy, đất Cù Lao Giêng được mô tả là “ác địa” do âm u lam chướng, rừng hoang “đầy rẫy thú dữ, sông vắng lại đặc nghẹt kình ngư”, “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”. Người đi khai phá phải đương đầu với bao thử thách khắc nghiệt, ngày đêm vật lộn với thiên nhiên cải tạo đồng hoang, chinh phục thú dữ, thích nghi với lũ… Các Linh mục không quản ngại khó khăn gian khổ, cùng người dân khai phá và giữ lấy Đức tin, sống chan hòa trong tình thương nhân ái. Từ đó dần dần một loạt những công trình Ấu Nhi viện, Cô Nhi viện, trường Sơ cấp, trường Dạy Nghề, Chẩn Y viện, Nhà Bảo sanh, Trại phong… ra đời trên mảnh đất Cù Lao Giêng, phục vụ cho bà con trong và ngoài đạo trên tinh thần cứu người, bằng tình thương yêu vô bờ của Chúa.
Trong tâm thức người dân Cù Lao Giêng, những ông già bà cả vẫn thường hay kể, cha ông họ ngày xưa đã từng được các Cha người Pháp cứu giúp những lúc bệnh hoạn khó khăn. Họ vẫn nhớ những cái tên người Tây, nghe xa lạ nhưng với họ rất đỗi thân thương như Cha Maille, Cha Augustinus – Baptista Gazignol,… Người dân ta không kỳ thị hay xa lạ với các Cha mà còn quý mến và rất thân tình. Tình yêu thương con người có sức mạnh lớn lao, có thể đồng cảm và chia sẻ niềm tin vào cuộc sống…
Tôi may mắn được tiếp xúc với một số Linh mục, mới thấy rằng việc truyền đạo, dẫn dắt con chiên của các Ngài luôn gắn liền với hoạt động xã hội của tín đồ và địa phương. Các Linh mục luôn theo sát quá trình học tập của các con em tín đồ. Luôn tìm hiểu và có những biện pháp khích lệ tinh thần và vật chất cho các em đến trường chăm học. Ngoài ra, trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức và các ứng xử xã hội là cực kỳ quan trọng. Thông qua những lớp học giáo lý và cách lắng nghe những tâm tình của các em, các Cha, các thầy, cũng như các dì đã có những phương pháp giáo dục, giúp đỡ các em, hướng các em hình thành nhân cách đạo đức tốt, kính Chúa – thương người.
Hồi còn tại thế, nhà văn Nguyễn Quang Sáng vẫn thường nhắc với tôi rằng, ông sinh ra tại nhà thờ Cù Lao Giêng và người đỡ đẻ khi ông chào đời là một nữ tu người Pháp. Những năm cuối đời, ông thường về lại ngôi Thánh đường xưa, nơi căn phòng ông cất tiếng khóc đầu đời. Ông vẫn thường ngồi trầm ngâm ở một góc phòng và đợi nghe những tiếng chuông lễ ngân. Không phải tín đồ, nhưng chắc rằng đi đến đâu đi nữa ông vẫn không thể nào thôi nhớ về một miền đất có ngôi Thánh đường và những người Tây xa lạ – những người đã ôm ông cái ôm đầu đời trong niềm vui mừng và tình yêu thương rất thật.
Chợt nhớ đến truyện ngắn “Ngày cuối cùng của chiến tranh” của nhà văn Vũ Cao Phan, truyện đoạt giải cao nhất trong cuộc thi của báo Văn nghệ năm 1995. Truyện kể về cuộc tiếp quản ngôi Thánh đường trong ngày 30 tháng 4 của một đơn vị quân giải phóng. Trong những ngày đóng quân tại Thánh đường, các chiến sĩ phát hiện trong căn nhà nguyện mà Ma Soeur hay lui tới lúc nào cũng đóng cửa và rất khả nghi là đang nuôi chứa tàn quân. Trong một đêm, các chiến sĩ phát hiện một bóng đen đem cơm đến tiếp tế cho “tàn quân” trong nhà nguyện, khi bị phát hiện, chưa kịp “hành động” thì bóng đen đó vụt chạy mất, làm cho cơm canh đổ ra tung tóe. Sáng hôm sau các chiến sĩ yêu cầu Ma Soeur mở cửa nhà nguyện để khám xét. Giây phút Ma Soeur tay run run mở khóa, bên ngoài các chiến sĩ cầm chắc tay súng sẵn sàng chiến đấu nếu có địch trong ấy. Nhưng khi mở cửa ra thì Ma Soeur ngã ụp xuống nền van xin các chiến sĩ: “Xin các ông đừng giết. Chúng đâu có tội, chúng đâu có tội!”.Từ trong bóng tối nhà nguyện, thất thểu, sợ sệt và hốc hác vì đói bước ra ba đứa trẻ lai: hai Mỹ đen, một Mỹ trắng. Một chiến sĩ chỉ huy rơi nước mắt nói nhanh: “Lấy sữa trong ba lô pha cho các cháu nhanh đi”. Câu chuyện làm tôi nhớ mãi mỗi lần đứng trước căn phòng năm nào nhà văn Nguyễn Quang Sáng cất tiếng khóc chào đời và mỗi chiều khi mặt trời chiếu những tia nắng cuối cùng lên hàng mộ các Linh mục yên nghỉ dưới tán cây cồng già nua rộng lá.
Người ta khó có thể tin rằng giữa mảnh đất cù lao nằm giữa con sông Tiền này, vùng đất tương đối “ngăn sông cách chợ” mà vẫn có một ngôi Thánh đường trang nghiêm với những người dân hiền hậu chất phác đặt niềm tin nơi Chúa như vậy. Tôi không biết phải giải thích sao, nhưng tôi nghĩ tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương, cũng như những tia nắng cuối cùng của ngày khi qua khu đất Thánh nhỏ phía sau tu viện, vẫn lung linh và ấm áp rọi qua Thánh giá, làm lòng mình chợt thấy nao nao mà ấm cúng lạ thay.
* * *