Giải: A
MÀU XANH TRONG LÒNG TÔI
Tác giả: Nguyễn Trần Minh Châu
Vào buổi sáng Chủ nhật, ở Thảo Cầm Viên có các em học sinh của một trường tiểu học đã ghé thăm. Tại nơi đó, từ khi nào đã đặt sẵn những bao đất ngay ngắn, bên cạnh nào là chậu cùng những viên sỏi xinh xắn chen chút nhau.
Và chỉ khi cô giáo đặt vào bàn tay tụi nhỏ, thì một tràng những thắc mắc lập tức cũng xua tan. Hoá ra, đó chính là bài thu hoạch của tháng: quan sát cây đậu xanh. Từ dạo ấy, cô bé đã nảy nở những tình cảm cho cái vật thể xanh non, yếu ớt trong ngày đầu tiên về nhà.
Cô đã dành hàng giờ rưới những giọt nước nhỏ bé cho cây đậu xanh, chăm chú thật kĩ những thay đổi của nó, và ghi chép lại vào cuốn sổ của mình. Cô đã thật thơ ngây vì tin vào những chuyện cổ tích, tin vào một ngày đậu sẽ lớn lên thật khổng lồ, như cây đậu khổng lồ của Jack, cho đến lúc nó không thể leo lên được một dây nào nữa. Đó cũng là khi bài thu hoạch kết thúc, những trang giấy dư ướt nhẹp thấm lem dòng mực tím đã nằm im ắng…
~~~~~~~~~~~~~~
Tôi yêu màu xanh, tôi yêu màu sắc ấy từ những năm tháng đầu đời của một con người. Lớn lên, khi nhìn chúng dần dần bị hủy hoại, mới nhìn lại mọi điều trong cuộc sống này, sao mà dễ thay đổi quá?!.
Từ những gì quá xa vời để với tới, cho đến những gì mình có, niềm đam mê đều có thể ra đi, khó lường giống như lòng người. Phải, mọi thứ thay đổi còn nhanh hơn con người thay áo nữa, vì con người tạo ra nó mà.
Thời gian dần trôi, mang theo bao đổi thay đến với hành tinh này, tất nhiên tiêu cực đang chiếm lấy số đông, nhưng nó vẫn quay quanh quỹ đạo, vẫn kéo chúng ta đứng vững trên chính trọng lực của mình.
– “Cậu cao thật đấy, cậu uống sữa Khủng long hả? Hôm nay tớ sẽ chụp một bức ảnh với cậu kỉ niệm lần đầu tớ đến nơi này nhé!”- Bức ảnh đã chụp từ trên ngọn đồi Đà Lạt từ mùa hè rất lâu.
Tám năm sau, mười lăm tuổi chứng kiến người ta chặt đổ những cây thông trên ngọn đồi Đà Lạt. Đó là lần thứ hai, cũng là lần cuối cùng, cây thông mà tôi chụp chung nằm đó, bức ảnh sẽ chỉ được đánh giá ngang với sản phẩm chỉnh sửa photoshop.
Mười lăm tuổi hôm nay, nhưng tôi chẳng biết liệu rằng nếu sau này tôi có cháu, nó sẽ biết đến chim cánh cụt khi nó bằng tuổi tôi chứ? Cho đến từng tảng băng sắp vỡ vụn ra, đem dòng nước nhấn chìm những vùng đất từng có mặt trên bản đồ, và nhiều tòa nhà cao tầng không đủ sức che chắn khi một bóng cây cũng chẳng còn.
~~~~~~~~~~~~~~
Mỗi lần tị nạnh với bạn bè, hãy nghĩ đến cốc nước mát lạnh để xua tan cơn giận của ta. Là chính hành tinh ta sống nhờ đang bao dung mọi thứ, đáp ứng mọi nhu cầu, nhưng cũng đang rỉ máu đau đớn ở bên kia địa cầu.
Chúng ta tiến hoá từ một loài vượn, học phong thái của một con người thông minh. Nhưng cho tôi hỏi một câu “Tại sao lại chỉ dọn phòng mình, nhưng lại ở căn phòng khác thải rác bừa bãi?”. Đừng để hành tinh chúng ta phải bị ghim những mảnh thủy tinh đau đớn như vậy, hoặc chúng ta chỉ đang sống cho mình. Trái đất không cần đến chúng ta, nhưng chúng ta cần nó.
Nếu không viết lên cho những tán cây, chắc chắn tôi sẽ không còn dịp để nhớ đến những con người thật tuyệt vời. Họ không phải nhà bảo tồn hay nhà khoa học, họ là những người bạn tốt của thiên nhiên.
HẾT