GIẢI C:
NGÔI SAO TRONG ĐÊM
Tác giả : THI THỊ BÍCH NGÂN
– Sinh viên trường Đại học An Giang
“Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”
(Trần Quốc Minh)
Tôi sinh ra và lớn lên trong một làng quê nhỏ hẻo lánh, nơi có con sông trải dài như dải lụa, xẻ dọc những mảnh ruộng xanh mướt ngút ngàn. Xóm tôi rất ít người, xa xa mới có một ngôi nhà,
Ngày đó phương tiện giao thông còn ít, nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình là từ những cuốc xe Lambretta của ba đưa đón mọi người từ quê lên thị trấn và ngược lại. Mỗi sáng cứ tầm 4h là tôi bị đánh thức bởi tiếng máy nổ inh ỏi của xe, trong không khí thoảng mùi khói xăng chưa cháy hết, dù khói ngột ngạt ô nhiễm là thế nhưng nó thân thương lạ thường. Hình ảnh lưng áo ba ướt đẫm mồ hôi khi máy hỏng đạp hoài không nổ, hình thành bức tranh thầm lặng hi sinh, dù trải qua bao năm tháng vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.
Cuộc sống bình dị đó sẽ luôn rộn nụ cười và hạnh phúc biết bao, nếu không có biến cố ba tôi đã ra đi trong một vụ tai nạn khi tôi vừa lên mười và đứa em tròn bảy tuổi, mọi thứ đảo lộn. Mẹ tôi, người vợ người mẹ nội trợ, giờ trở thành trụ cột gia đình, mọi gánh nặng đổ dồn lên vai mẹ, với vài công ruộng được ông bà nội để lại, ngoài việc chăm sóc chúng tôi, mẹ phải lặn lội đồng sâu “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” để tìm cái ăn, cái mặc cho hai đứa con.
Những lúc anh em tôi bệnh, mẹ thức canh cả đêm chườm nước, bàn tay sờ trán thăm khám nhiệt độ, cơn sốt của các con là ngọn lửa đốt lòng mẹ. Khi ho, mẹ lật đật thay áo giữ ấm cho con:
“Con ho lòng mẹ tan tành
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi”
(Tục ngữ, ca dao Việt Nam)
Thê thảm nhất là những hôm mưa bão, căn nhà nhỏ như không đủ sức chịu đựng sự khắc nghiệt của thiên nhiên, dưới ánh đèn dầu mẹ ngồi im lặng trông chừng chúng tôi ngủ, ánh mắt xa xăm cầu mong cơn mưa qua mau để cả nhà được bình yên. Khi có giọt nước rơi đúng chỗ anh em tôi đang nằm, mẹ nhẹ nhàng dời con sang nơi khác để khỏi bị ướt. Những khi mẹ đi chợ về, chúng tôi vui mừng đón mẹ vì chắc rằng trong giỏ lúc nào cũng có hai chiếc bánh, tôi vô tư đâu biết rằng mẹ đã nhịn ăn nhường cho anh em tôi được no lòng.
Năm tháng qua mau, rồi chúng tôi cũng lớn lên với sự hi sinh của mẹ, khi có ai hỏi sao mẹ “không bước đi bước nữa?” mẹ trả lời “vì sợ các con sẽ khổ!”. Tôi tâm nguyện sẽ cố gắng học thật giỏi để đền đáp công ơn của mẹ. Khi hay tin tôi được chính thức tuyển thẳng vào Đại học, mẹ vui mừng khôn xiết nhưng ánh mắt lo âu, nơi tận cùng sâu thẳm lòng tôi chợt nhói đau khi nhìn thấy lưng mẹ đã còng, mắt không còn tinh anh, mái tóc điểm bạc vì thời gian chồng chất gánh nặng mưu sinh, sắp tới chi phí học tập của tôi là vấn đề nan giải.
Mẹ luôn là hậu phương vững chắc trên bước đường thành công của tôi, khi ra trường, qua quá trình gian truân xin việc, cuối cùng tôi cũng tìm được chỗ làm ổn định, đúng chuyên môn của mình. Bây giờ mặc dù tôi đã có gia đình riêng, vậy mà khi cái áo đứt chỉ, quần sứt lai là mẹ lại cặm cụi ngồi khâu vá cho tôi lành lặn. Buổi trưa nhà xa cơ quan, sợ tôi ăn hàng quán không vệ sinh, mẹ bảo lại nhà mẹ ăn cơm cho đủ chất
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”
(Con cò – Chế Lan Viên)
Tình mẹ bao la biển trời là vậy, dù bạn có lớn bao nhiêu, có địa vị gì trong xã hội đi nữa thì trong lòng mẹ bạn vẫn là đứa con yêu thương bé bỏng, luôn cần sự chở che trong vòng tay của mẹ. Ba mẹ là người hi sinh vô điều kiện, khi bạn vui buồn hay đau khổ, người cảm nhận và sẽ chia đầu tiên chính là ba mẹ. Trong suốt cuộc đời của họ chẳng cần bạn báo đáp hay trả hiếu ân mà chỉ cần bạn sống vui và hạnh phúc là họ đã mỉm cười mãn nguyện.
Mẹ chính là bầu trời, là vì sao trong đêm của mỗi người, chúng ta hãy sống thế nào để không phụ lòng mong mỏi của người.
Mượn lời hát, thơ ca như một thông điệp cho bạn, cho tôi:
“Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!”
* * *