GIẢI C
Chùm tác phẩm:
THỰC TRẠNG SỐNG THỬ
Tác giả: GB NGUYỄN XUÂN LỊNH
– Sinh viên trường Đại học Sư Phạm Huế
– Giáo Phận Vinh, Hạt Hướng Phương,
Giáo Xứ Tân Phong, Giáo Họ Yên Thuân.
Sống thử là một thực trạng đáng báo động của xã hội hiện nay, chỉ vì sự thiếu hiểu biết trong đời sống hôn nhân gia đình, vì điều kiện học tập, việc làm và muốn thử cảm giác lạ… mà rất nhiều bạn trẻ đã đánh đổi cả tương lai, nhân phẩm của mình để theo đuổi hai từ “sống thử” để rồi đánh rơi vẻ đẹp của cái tuổi trăng tròn, cái tuổi mà nhiều người lúc sang trang mới của cuộc đời muốn quay về để sống, để gìn giữ, để cảm nếm sự tươi trẻ, sự nhẹ nhàng, sự tinh khiết vì bị yêu và được yêu thương.
Trên mọi hành trình của cuộc đời không có cái gọi là “giá như”, giá như thời gian có thể quay lại để sửa chữa sai lầm, giá như cuộc đời không cho tôi gặp anh A, chị B thì cuộc đời sẽ không ra như thế, giá như cố gắng học tập và tìm hiểu các giá trị về đời sống hôn nhân thì cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn… Bao nhiêu giá như nhưng đâu ai thay đổi được quá khứ.
Sống thử là hiện tượng sống chung với nhau như vợ chồng của các bạn trẻ khác phái nhưng chưa kết hôn, chưa hợp pháp theo luật hôn nhân và gia đình, nó còn có tên gọi khác là “góp gạo thổi cơm chung”, có thể nói đây là một thực trạng đáng buồn của giới trẻ Việt Nam, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân của đối tượng, làm giảm các giá trị nhân phẩm, cách nhìn nhận ngoại thường mà còn làm ảnh hưởng đến gia đình, xã hội và Giáo hội.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sống thử, nó xuất phát từ nhiều khía cạnh khác nhau, từ bản thân, gia đình, xã hội và các trào lưu phóng khoáng của phương Tây đã tiêm nhiễm và làm băng hoại nhiều các giá trị của văn hóa Việt Nam, vốn rất nhã nhặn, kín đáo, nhẹ nhàng và thuần phong mỹ tục.
Từ bản thân, đây được xem như là căn nguyên của vấn đề “sống thử”. Chính do cuộc sống thiếu thốn tình cảm, do hoàn cảnh học tập, công việc, vì muốn thử cảm giác lạ, vì lối suy nghĩ nông cạn, đua đòi “duy thế tục” mà nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại lao vào đời sống “thử” như một cách thỏa mãn những ham muốn, thỏa hiệp với hoàn cảnh, đồng thời phóng khoáng hơn với tư duy hiện đại, không phải “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” mà là quyền tự do chính đáng của mỗi người, không ai được quyền ép buộc hay xen vào, để rồi lao vào các thú vui thiếu chuẩn mực. Chính những tư tưởng thiếu chính chắn ấy mà nhiều bạn trẻ rất cởi mở trong quan niệm “tình dục”, hễ yêu nhau là phải lên giường và không còn e ngại gì với dư luận xưa nay. Cuộc sống hưởng thụ, trụy lạc, thiếu chuẩn mực đạo đức, không tôn trọng luật lệ, các giá trị nhân phẩm đã đưa đẩy biết bao bạn trẻ đến hoàn cảnh dở khóc, dở cười…
Gia đình cũng có trách nhiệm đối với việc sống thử của con cái. Khi gia đình cơm không lành, canh không ngọt là một phần yếu tố để con cái sinh chán nản, túng quẩn trong suy nghĩ, dẫn đến những hành vi thiếu chuẩn mực trong đời sống, làm sao con cái trưởng thành khi cha mẹ suốt ngày cãi vã, đòi li dị, chồng một đường, vợ một nẻo để những đứa con nheo nhóc không người quản lý, thiếu thốn hơi ấm gia đình, ắt hẳn con cái sinh hư cũng là chuyện đương nhiên. Hay khi “ông ăn chả, bà ăn nem” đó cũng là một phần hậu quả của những bậc làm cha làm mẹ, cha mẹ chính là người thầy đầu tiên giáo dục con cái, nhưng khi người thầy đánh mất giá trị đạo đức thì dạy ai nghe? Chúng cũng theo gương cha mẹ cũng là điều tất yếu. Ngoài ra, cha mẹ suốt ngày công việc, lao vào kiếm thật nhiều tiền mà không quan tâm đến con cái, nhiều người nghĩ rằng chỉ cần kiếm thật nhiều tiền để gửi chúng đến các nhà trường là xong, họ đâu hiểu rằng vai trò của cha mẹ quan trọng biết chừng nào và không một ai có thể thay thế được. Chính bởi sự ơ hờ của các bậc phụ huynh, thiếu quan tâm đã dẫn con cái họ lựa chọn sống thử như là một cách để chúng giải sầu vì bức bối gia đình…
Ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của xã hội cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiều bạn trẻ tìm đến với nhau để “sống thử”. Khi tư tưởng sống phóng khoáng chiếm hữu phần lớn trong con người, thì hẳn con người cũng khó cưỡng lại với những cám dỗ bất chính, với vẻ hào nhoáng chóng qua và lời mời mọc ngọt ngào của xã hội bên ngoài. Đặc biệt là giới trẻ mới bước vào đời, chân ướt chân ráo chưa hiểu hết được những lọc lừa, mánh khóe trong xã hội. Các bạn bước vào đời với một tinh thần non trẻ và đầy nhựa sống nhưng lại thiếu chất lượng và hành trang cuộc sống, sự hồn nhiên trong trắng, sự nhẹ dạ cả tin, sự bồng bột trong suy nghĩ… chính là những sơ hở và cơ hội giở mánh khóe của những con thú trong xã hội. Làm sao có thể đứng vững trước những cám dỗ, mời mọc ngọt ngào của những kẻ từng trải nhắm vào tâm lý, đòi hỏi và thực trạng sống của các bạn, trong khi các bạn mang một tâm lý phóng khoáng, thích mới lạ, kiểu chơi ngông, chơi trội… nhưng đâu nghĩ đến những hậu quả sau đó. Cuộc sống thực tại có thể làm các bạn thoải mái, giảm bớt áp lực từ gia đình, bản thân nhưng sẽ khiến các bạn mang một nỗi đau tột độ khi cuộc sống trước hôn nhân không trọn vẹn.
Đồng thời do ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa thoáng đảng phương Tây tràn vào Việt Nam, những trang phim ảnh xấu, đồi trụy… phần nào cũng làm ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của nhiều bạn trẻ hiện đại. Sống thoáng, cởi mở là phương châm để đạt tới sự mỹ mãn không phung phí tuổi trẻ chỉ là biện minh cho những đòi hỏi sinh lý và sự dễ dãi của nhiều bạn nam nữ vị thành niên nhưng thường để lại rất nhiều di chứng sau những thước phim thăng hoa trong cuộc sống.
Tôi đã từng trãi qua thời sinh viên, cũng đã gặp rất nhiều trường hợp sống thử như vợ chồng dù các bạn ấy còn đang đi học, hay đang làm công nhân… Các bạn ấy đã tự ý góp gạo thổi cơm chung như một cách biện hộ cho sự dễ dãi, thiếu chính chắn trong suy nghĩ là giúp đỡ nhau ở cuộc sống xa nhà nhiều hỗn tạp của xã hội. Thế nhưng, cuộc sống đâu có hạnh phúc, đâu có giúp đỡ gì cho nhau ngoài thỏa mãn những ham muốn, những đua đòi được giống bạn bè, để người khác không cho mình là FA.
Và những di chứng sau đó thì nặng nề biết bao. Đặc biệt là các bạn nữ, hiện tượng phá thai, bất mãn với cuộc sống, tự tử, tâm thần, hay tự kỉ là những hậu quả thường xảy ra sau các cuộc thác loạn của đời sống thử khi cơm không ngon canh không ngọt. Không chỉ dừng lại ở đó mà cuộc sống của các bạn sau này sẽ bị ảnh hưởng rất lớn vì bị ám ảnh của những lần phá thai do những lần dễ dãi của cuộc đời. Đó chỉ là mới nói đến những nỗi đau của cá nhân, một khi đời sống thử trước hôn nhân tan vỡ, nó còn lan đến tận gia đình, làng xóm, giáo xứ… tất cả chỉ toàn là nỗi đau, sự xấu hổ, nỗi nhục, vì “con dại cái mang”, “con làm cha mẹ chịu” hay “con sâu làm rầu nồi canh”. Văn hóa, phong tục của Việt Nam chúng ta rất coi trọng chữ “tiết” và sự kín đáo, thuần phong mỹ tục… Đâu có chuyện dễ dàng để tha thứ cho những lăng loàn, phá nhân cách… Mặc dù Giáo hội ngày nay cũng rất thông cảm cho những trường hợp lầm lỡ nhưng không vì thế mà vi phạm những điều trái luật Thiên Chúa vì tình yêu con người không cho phép “thử”, nó đòi hỏi hiến thân trọn vẹn và dứt khoát, một khi đã kí kết giao ước với Thiên Chúa và Hội Thánh trong đời sống hôn nhân, con người phải duy trì đời sống một vợ một chồng không được tháo gỡ “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9). Sự chung thủy giữa vợ chồng chứng tỏ lời họ hứa đã được duy trì bền vững.
Bản tính con người thật sự khó thay đổi nhưng không có gì là không thể vì Nguyễn Bá Học đã từng nói “đường đi khó không khó, vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”, hay “Đối với Thiên Chúa, không gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).
Có rất nhiều cách để con người có thể chống lại những ham muốn xác thịt, tránh cuộc sống thử trước hôn nhân mà chủ yếu chính là nơi bản thân mỗi người, chúng ta phải tiết độ trong mọi suy nghĩ, cần học hỏi những giá trị của đời sống hôn nhân và gia đình, tầm quan trọng đời sống vợ chồng nằm ở đâu trước khi tiến tới kết hôn, đừng chờ đợi khi đã gây nên hậu quả rồi mới rút ra bài học kinh nghiệm, khi dính bầu, khi vỡ mộng trong đời sống thử mới nhận ra giá trị thực của đời sống hôn nhân.
Ngoài bản thân, gia đình cũng có trách nhiệm không nhỏ vì là cái nôi của mọi đạo đức, là nơi chúng ta học các giá trị nhân phẩm của con người mang lại. Cha mẹ là thầy dạy đầu tiên cho con cái, còn gia đình là nhà trường, Chủng viện… đầu tiên mang lại hiệu quả đạo đức của con người.
Về mặt xã hội cần có các buổi tuyên truyền, giáo dục về đời sống hôn nhân và gia đình cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các trường học cần phải có các bài giảng về đạo đức, thuần phong mỹ tục cho sinh viên, học sinh, nêu lên những hậu quả nặng nề của việc suy đồi đạo đức, đặc biệt là trong đời sống thử như vợ chồng của các bạn trẻ hiện nay.
Tóm lại, đời sống thử trước hôn nhân đáng bị lên án trong xã hội, nó làm cho cuộc sống con người mau hư nát, tâm hồn bị đục khoét bởi những cuộc thác loạn, để lại những di chứng cho đối tượng, cho gia đình, xã hội và Giáo hội đồng thời sống thử đi ngược lại thuần phong mỹ tục, phá hoại nhân cách đạo đức, làm gương mù, gương xấu cho thế hệ. Đối với giáo hội Công giáo, sống thử là hành vi không cho phép vì Thiên Chúa và Hội Thánh dứt khoát với hành vi thiếu chuẩn mực này.
* * *
CHÚA VẪN CHỜ ĐỢI TÔI
Tác giả: GB NGUYỄN XUÂN LỊNH
– Sinh viên trường Đại học Sư Phạm Huế
– Giáo Phận Vinh, Hạt Hướng Phương,
Giáo Xứ Tân Phong, Giáo Họ Yên Thuân.
Cuộc đời là một dãy số bí ẩn cho tới ngày lìa đời, ai cũng một lần được sinh ra và một lần chết đi. Thế nhưng khoảng thời gian giữa sự sống và cái chết là một món quà đầy ân sủng, để mỗi chúng ta chắt chiu gìn giữ và cảm nếm cuộc sống ở trần gian đồng thời là một mối lợi cho sự sống vinh quang trên trời và sự tự do của mỗi người chính là hậu quả của sự nô lệ trong tăm tối hay trong hạnh phúc đích thực. Lạm dụng sự tự do để sống trong tội lỗi là điều bất hạnh, ngược lại dùng sự tự do thực hiện điều công chính và quy hướng mọi công trình về với Thiên Chúa thì đó là sự tự do đích thực, là hạnh phúc vĩnh cửu.
Mỗi người dù muốn hay không thì cũng đều có một quá khứ và một tương lai. Thế nhưng không ai có thể nói rằng “Tôi không có tội”, Thánh Gioan tông đồ đã từng khẳng định “Ai nói mình không có tội, đó là kẻ nói dối và sự thật không ở trong họ” (1Ga 1,10), chính mỗi người khi sinh ra đã gánh lấy tội nguyên Tổ và kèm theo các tội ta phạm hằng ngày. Và đây cũng là tâm tình của Thánh Phê-rô khi thốt lên với Chúa Giêsu “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ có tội”.
Mang thân phận yếu đuối, con người rất dễ rơi vào cạm bẫy của sự dữ bủa vây quanh thế giới này, sự dữ không cho phép con người tồn tại trong hạnh phúc và được chúc phúc. Chính vì thế, với con người thời gian được sống đó là một cuộc chiến thực thụ để chống lại các thế lực tăm tối.
Sống ở thế gian, ai cũng cũng mong mình được hạnh phúc và không ngừng tìm kiếm hạnh phúc vì đó là khát vọng hầu như là tuyệt đối của con người.
Thế nhưng con người biết tìm kiếm hạnh phúc ấy ở đâu? Và khi con đang sống trong tội lỗi và bị cuốn hút bởi muôn vàn cám dỗ của kẻ thù.
Đó là câu hỏi mà cho đến hiện tại còn rất nhiều người chưa thể tìm thấy hay còn mập mờ, mông lung. Tôi và bạn cũng vậy, nhiều lúc chúng ta cũng bị chất vấn bởi những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản ấy. Tôi đã đặt niềm tin đúng chỗ chưa? Thực sự có sự sống đời sau không? Tại sao tôi tin Chúa nhưng mà vẫn đau khổ, bất hạnh và nghèo đói? Để rồi chúng ta cư xử với đồng loại và với Thiên Chúa Đấng tạo dựng mọi sự, thiếu chuẩn mực và chưa đúng với phẩm giá con người mà Thiên Chúa ngay từ khởi đầu cho biết, để đạt tới Chân Thiện Mỹ và hạnh phúc đích thực, con người phải thực hiện được hai điều “Kính Chúa và yêu người”, đây là hai điều căn bản nhất trong mười điều răn Thiên Chúa ban cho nhân loại, làm kim chỉ nam cho hành trình xuyên suốt cả cuộc đời nên Thánh của mỗi tín hữu.
Thế mà đâu đó, chúng ta vẫn chối bỏ Đức tin, khước từ Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời và tương quan với anh em chẳng khác gì những kẻ lưu manh. Chúng ta hoàn toàn đi ngược lại với đạo đức và nhân vị của mình mà thuở ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên rất tốt đẹp, làm sao chúng ta có thể đứng vững khi lòng tin chúng ta đang non kém và yếu đuối, khi cuộc sống chúng ta đang bị chi phối quá nhiều vào của cải vật chất, địa vị, quyền lợi cá nhân và những gì hào nhoáng chóng qua. Tất cả những thói hư này làm cho chúng ta mất đi ơn Chúa, mất ân sủng của “Đấng Tình Yêu”, chính cuộc sống tầm thường ấy kéo theo hệ lụy chúng ta cứ mãi chìm đắm trong đau khổ.
Có rất nhiều lý do để tôi và bạn đổ lỗi cho những bất toàn ấy nhưng tất cả quy lại ở hoàn cảnh, vì cuộc sống mưu sinh, vì chưa thấm nhuần triết lý tình yêu của Thiên Chúa, vì sự xô đẩy của xã hội, vì cơm áo gạo tiền… buộc tôi phải làm như vậy và đành chấp nhận đánh mất đi phẩm chất của mình, làm mất kiểm soát với yếu tố nhân linh.
Nhiều lúc đi xa hơn chúng ta còn chối bỏ hoàn cảnh ấy bằng việc dùng quá khứ của Hội Thánh để biện minh, không phải Thánh Phêrô cũng từng chối bỏ Chúa ba lần vì sợ hãi sao? Không phải Thánh Phaolô cũng từng bắt bớ và sát hại các tín hữu đầu tiên của Chúa sao? Không phải chị Thánh Maria Madalena cũng đã từng ngoại tình sao? Hay Thánh Âu tinh cũng lâm vào cuộc sống lăng loàn và chối bỏ tình thương của Thiên Chúa sao?… Thế nhưng các Ngài đã vượt qua được rào cản của thế gian để đạt tới sự viên mãn trong nước trời và trở nên những cột trụ vững chắc trong Giáo Hội, là những vị Thánh mang tin vui phục sinh cho Hội Thánh bởi vì các Ngài có sự sám hối thật sự “Sám hối và tin vào Tin Mừng”, đó cũng là lời giáo huấn của Chúa Giêsu khi Ngài thực hành quyền rao giảng của mình cho muôn dân.
Còn chúng ta thì sao, mọi tín hữu đều đã hưởng nhờ ơn Phục sinh, được đón nhận lời của Chúa, được giáo huấn thường xuyên qua các Thánh lễ Misa qua các bài chia sẻ của những người lành Thánh về cuộc sống ở trần gian, về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, về vinh quang nước trời… Đã bao giờ chúng ta cúi xuống hôn chân Chúa và lấy dầu thơm đắt tiền mà xức, lấy tóc mình mà lau chưa? Đã bao giờ bạn chịu sám hối như Thánh Phêrô khóc đến sưng hai mắt vì trót chối bỏ Thầy của mình và cũng khiêm nhường mà thân thưa với Chúa “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ có tội”, có bao giờ chúng ta dám chịu sỉ nhục và chết vì danh Chúa chưa như các Thánh tử đạo chưa?… có lẽ để nói hết chuỗi bất hạnh ấy của chúng ta thì kể làm sao cho xiết. Tội lỗi và yếu đuối vẫn là những chất xúc tác làm ta mất hạnh phúc và xa lìa Thiên Chúa.
Thế mà, Thiên Chúa giàu lòng thương xót và nhân hậu lại luôn đón chờ và tha thứ cho những ai biết ăn năn sám hối và trở về với nẻo chính, kẻ trộm lành cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu chỉ vì một câu nói “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42) mà được vào Thiên đàng ngay trong ngày chịu chết. Thiên Chúa lại nhân từ đến nỗi, Ngài chấp nhận sự tổn thương về phần mình mà xin tha tội cho những kẻ rắp tâm đóng đinh và giết hại mình “Lạy Chúa, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Thiên Chúa còn mang cả tình thương để ban bình an, vinh quang của Ngài cho các tông đồ và cho toàn nhân loại ơn phục sinh trước khi về trời.
Thiên Chúa luôn sẵn sàng chờ đón sự hoang đàng chúng ta trở về trong niềm vui sướng, Ngài luôn yêu thương con cái biết ăn năn sám hối, Ngài luôn chuẩn bị sẵn chiên béo để làm thịt, sẵn\ giày dép, áo quần, nhẫn… như một người Cha nhân từ muốn ôm ấp con mình vào lòng, sau bao ngày tháng nó bỏ nhà đi xa trong trụy lạc, điêu tàn ở chốn ăn chơi đàng điếm.
Nhưng ôi! Sao tôi còn cứng lòng đến vậy. Sự yêu thương vô biên ấy không làm cho tôi hối hận ư? Không làm cho tôi cảm thấy hổ thẹn ư?
Xin Chúa tha thứ cho con, vì con là kẻ có tội!
* * *