GIẢI C
CHÚT CẢM NGHĨ VỀ SỐNG THỬ
Tác giả : ISAVE NGUYỄN NHƯ NGỌC
– Giáo phận Long Xuyên, Giáo xứ Cù Lao Giêng
Thỉnh thoảng, báo đài và các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nữ sinh nào đó tự tử mà nguyên nhân là do sau thời gian sống thử đã bị người yêu bỏ rơi dẫn tới uất ức và tìm đến cái chết đã để lại bao nhiêu tiếc thương, đau khổ cho người thân ở lại và hơn hết là chính thức khép lại một tương lai lẽ ra rất xán lạn với bao ước mơ và hoài bão!
Vậy liệu ngoài cái chết, sống thử còn gây ra những hệ quả đáng tiếc nào?
Hàng ngày, tại các bệnh viện phụ sản, các cơ sở nạo phá thai chính thức và cơ sở “chui” đã tiếp nhận bao nhiêu ca phụ nữ đến phá thai là nạn nhân của sống thử? Bao nhiêu phụ nữ bị ám ánh bởi việc này, bao nhiêu bị ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản để rồi không thể có con, và bao nhiêu cô gái bị ám ảnh của cuộc sống sống thử mà không dám kết hôn với ai nữa? Hay các bệnh viện tâm thần đã đón nhận bao nhiêu người là nạn nhân của sống thử? Chưa có một thống kê cụ thể nhưng chắc chắn rằng không ít và không khó để tìm kiếm các thông tin về những hoàn cảnh đáng thương này trên các trang báo điện tử và mạng xã hội!
Tuy nhiên, thực tế vẫn có những đôi nam nữ sau thời gian sống thử tiếp tục đi đến hôn nhân và hạnh phúc bên nhau. Vậy sống thử tốt hay không tốt?
Với quan điểm không tán thành, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: ”Hiện tượng sống thử mang trong mình nhiều yếu tố tiêu cực hơn là tích cực, không thuận lợi cho sự phát triển của xã hội”.
Tuy nhiên, trái với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi cho rằng “sống thử và quan hệ tình dục trước hôn nhân và tình dục về bản chất là không xấu”, ủng hộ quan điểm của bà, Tiến sĩ Nguyễn Linh Khiếu nhiều lần khẳng định “không nên coi chung sống trước hôn nhân là một tệ nạn” và “cam đoan trong đó có đến 80% số người là tử tế, nghiêm túc trong việc quyết định sống với nhau. Đó không phải là hiện tượng xấu, chỉ có điều bây giờ nó mới bắt đầu, có nhiều va vấp, ngang tai trái mắt. Nhưng trong quá trình vận động, nó sẽ tự điều chỉnh đến xã hội sẽ chấp nhận”. Đồng tình với quan điểm này, Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khẳng định “Sống thử có lợi nếu chúng ta có cách nhìn đúng đắn và chuẩn bị trước khi cả hai sống cùng nhau”. Điều này cho thấy sống thử là một hiện tượng khách quan tồn tại trong cuộc sống, vẫn có những mặt tích cực đáng được ghi nhận. Vấn đề là chúng ta đón nhận nó như thế nào và cần làm gì để hạn chế tối đa những mặt tiêu cực của nó!
Vậy sống thử được hình thành từ đâu?
Trước hết, cần xem xét yếu tố xã hội. Sau khi nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới, bên cạnh các yếu tố tích cực thì không ít tiêu cực cũng tranh thủ ồ ạt đổ bộ vào! Được biết, sống thử, sống chung không kết hôn là một hình thức phổ biến được công nhận tại các nước Âu, Mỹ và nó đã thâm nhập vào giới trẻ một cách thiếu chọn lọc và hiểu biết. Bên cạnh đó, với thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, việc tiếp cận các trang web “đen” chứa đựng các văn hóa phẩm độc hại là hết sức dễ dàng, qua đó nó đã nhồi nhét cho giới trẻ sự tò mò và có suy nghĩ rằng việc “quan hệ” trước hôn nhân là hết sức bình thường, là hiện đại và văn minh từ đó giới trẻ xem việc chung sống với nhau mà không cần kết hôn hay còn gọi là sống thử đã ra đời.
Tiếp đến là yếu tố gia đình, đây là môi trường đào tạo trực tiếp, trực quan suốt cả đời của mỗi người. Thật đáng buồn, khi hiện nay, đôi khi chúng ta chỉ chú trọng cuộc sống vật chất mà quên chăm lo cuộc sống tinh thần. Vợ chồng ai cũng lo làm lụng kiếm tiền, ai cũng có thu nhập nên ngày càng ít phụ thuộc về tài chính lẫn nhau nên khi có mâu thuẫn họ dễ dàng quyết định kết thúc hôn nhân mà quên rằng con cái cần một mái ấm với tình thương yêu của cả cha lẫn mẹ. Một vài trường hợp khác thì họ chọn việc duy trì gia đình nhưng mạnh ai nấy sống và có cuộc sống riêng tư phức tạp, họ quên rằng cách họ sống đã đập hết vào mắt con cái và nó sẽ hình thành cho con cái cách sống sau này theo đúng những gì chúng đã được tiếp nhận. Tốt đẹp hơn một chút thì các gia đình hạnh phúc nhưng cha mẹ thì chỉ tất bật lo kiếm tiền, vì công việc mà họ quên nhà cửa, phần vì họ muốn phấn đấu hoặc làm thêm để không thua sút người này, người kia, phần vì áp lực của cuộc sống cơm áo gạo tiền ngày càng đắt đỏ nên họ phải cố gắng kiếm nhiều tiền để trang trải cuộc sống, họ nghĩ rằng chỉ cần lo cho con cái ăn học đầy đủ là được mà quên đi rằng con cái rất cần sự quan tâm, tình cảm và thời gian mà bố mẹ dành cho chúng. Khi thiếu hụt tình cảm và sự quan tâm của cha mẹ, bên cạnh việc dính vào các tệ nạn xã hội thì sống thử được xem như là một lựa chọn của giới trẻ để bù đắp sự thiếu hụt đó.
Hiện ở nước ta, sống thử chưa được thừa nhận và ủng hộ vì chúng ta đang sống trong xã hội Á Đông với quan niệm và định kiến xã hội hết sức khắt khe, luôn đề cao sự nết na, thùy mị, đoan trang, “công, dung, ngôn, hạnh” của người phụ nữ do đó việc sống thử hoàn toàn không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Nhưng rõ ràng chúng ta khó có thể loại bỏ nó ra khỏi đời sống xã hội hiện tại. Vậy cần phải làm gì với hiện tượng này?
Theo Tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình thì “sống thử là một lối sống đáng phê phán và phải ngăn chặn vì nó để lại nhiều tác hại cho gia đình và xã hội” do đó đầu tiên mỗi người cần tạo cho bản thân sức đề kháng một cách có chọn lọc đủ mạnh với các văn hóa phẩm, tư tưởng ngoại lai, độc hại, không phù hợp với truyền thống của dân tộc. Mỗi gia đình cần là một mái ấm nuôi dưỡng vật chất và tinh thần cho mọi thế hệ, là nơi nuôi dạy, gìn giữ và phát huy các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mỗi cá nhân cần quý trọng gia đình, cùng vun đắp cho “cây hạnh phúc” ngày càng đơm hoa kết trái, cha mẹ cần dành nhiều thời gian để gần gũi và quan tâm con cái. Nhà trường, các tổ chức đoàn thể cần thường xuyên các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa về các chủ đề giới tính, hôn nhân và gia đình để có cơ hội lắng nghe suy nghĩ của giới trẻ, từ đó cổ vũ và khuyến khích những suy nghĩ đúng đắn, cũng như uốn nắn, chỉnh sửa những quan niệm chưa phù hợp. Cuối cùng, là các cơ quan chức năng cần có biện pháp phù hợp và mạnh tay hơn nữa trong việc bài trừ, ngăn chặn sự xâm lấn của văn hóa phẩm, tư tưởng độc hại, cũng như định hướng về tư tưởng cho giới trẻ sống tốt, sống đẹp và có ích!
Đối với những người ủng hộ, cần chuẩn bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và tâm lý đầy đủ cho việc sống thử, cần xem việc sống thử là một khởi đầu của một cuộc hôn nhân thật sự để cùng nhau vun đắp hạnh phúc và tiến tới hôn nhân chứ không vì lý do để thỏa mãn những ham muốn, tìm hiểu cảm giác lạ của tuổi mới lớn hay để bù đắp những thiếu hụt về tình cảm… tuyệt đối không tham gia cuộc chơi sống thử do những hậu quả khó lường về sau.
Tóm lại, sống thử là một hiện tượng khách quan tồn tại trong cuộc sống, nếu biết cách khắc phục các hạn chế thì sống thử vẫn là chứa đựng nhiều điều tích cực, vấn đề chỉ là cách nhìn nhận và sự chuẩn bị của mỗi người. Tuy nhiên, cùng với đại đa số quan điểm trong xã hội, quan điểm và lập trường của Giáo hội Công Giáo không công nhận sống thử vì “Theo giáo luật, hai tín hữu Công giáo mặc dù đã làm hôn thú dân sự với nhau, nhưng họ chưa thực hiện bí tích Hôn Phối trước mặt Giáo hội, hôn thú của họ vẫn không phải là bí tích, và do đó họ không thể ăn ở với nhau như vợ chồng thật sự. Đối với những vợ chồng không Công giáo, hôn thú dân sự của họ là hôn phối tự nhiên. Giáo hội vẫn tôn trọng hôn phối đó. Nhưng đối với người Công giáo, họ có nghĩa vụ của các tín hữu, đó là hôn phối của họ phải được kết ước theo thể thức của Giáo hội đã quy định (GL 1108) để có thể là bí tích Hôn phối”.
***