MỘT BÀI HỌC
Tác giả : TÔ NGỌC DUY QUÍ
– Sinh viên trường Đại học Cần Thơ
Ở ngã tư đèn bốn ngọn, nơi con đường Quốc lộ đi qua, giao nhau với những con đường đi về những nơi phồn hoa của phố, chỗ vỉa hè của căn nhà bà già bán báo, thường có hai người ăn xin ngồi đó. Đó là hai anh em ruột, anh trai bị mù, em gái bị bệnh tâm thần nhẹ và câm điếc bẩm sinh. Họ trải một cái bao, ngồi dưới bóng mát của hiên nhà, phía trước cái bao là một cái chén đã bị sứt mẻ đôi chỗ. Mỗi khi người đi qua lại, họ để lại một hai tấm tiền lẻ vào chén, người em cúi đầu nói hai chữ “cám ơn!” lục cà lục cục khó khăn, rồi khều anh trai, anh trai mù không thấy đường, gật đầu lia lịa: “Cám ơn! Cám ơn!”.
Người hành khất, nói lời cảm ơn khi được cho đồ là chuyện bình thường, nhưng người câm, vẫn cố nói lời cảm ơn thì thật là cảm động. Giữa thời buổi báo đài kêu la văn hóa cảm ơn dần bị lãng quên thì giữa góc phố nhỏ, có hai người dập đầu cảm ơn người qua kẻ lại cho vài ba ngàn lẻ quả là một bài học cho giới trẻ hiện nay, những ai đang quên lời cửa miệng: Cảm ơn!
Một bữa trời mưa, cơn mưa ì ầm một hồi lâu rồi mới từ từ nhỏ giọt. Tôi ghé lại hiên nhà của bà bán báo để mua một tờ báo và trú mưa. Thấy hai anh em người hành khất vẫn còn ngồi đó. Tôi hỏi người anh:
- Trời mưa rồi, sao ông không về mà còn ngồi đây?
Người anh cố nghe để xác định phương hướng rồi quay mặt về gần phía tôi cười, ông nói:
- Dạ, hồi chiều có cô đó kêu hai anh em tui ở đây chờ, tối tối cô đi làm về sẽ ghé lại cho anh em tui hộp cơm. Nên tui phải ở đây chờ, để thôi cô đó đi mưa lại mà không thấy thì cổ buồn.
Người hành khất ấy tin rằng, cuộc đời này ai cũng là người tốt. Đôi mắt ông tối tăm vậy, nhưng thấy cuộc đời sáng trưng, ai ai cũng tốt. Những đồng bạc lẻ cho ông, đủ để hai anh em sống qua ngày, đó là điều ông cần để sống hết quãng đời còn lại. Nghe đâu trước đó, người anh đi mò cá, sau này đi bán vé số một thời gian, lớn tuổi, đi xa không nỗi nữa nên mới ngồi ở góc ngã tư để mong cô bác cho vài đồng bạc sống đỡ qua ngày. Bây giờ chắc hai người ấy cũng đã qua tuổi lục tuần, những bước đi không còn nhanh nữa, nhưng hàng ngày, ở nơi đây, họ nhận những tấm lòng và nói lời cảm ơn những người ban cho họ những đồng bạc lẻ.
Một ngày gần Tết, nghe bà già bán báo nói, hai anh em họ định về quê dọn mả cha mẹ, nhưng không có tiền về xe, nên năm nay ăn Tết ở đây luôn. Mấy hôm sau đó, có một bà già, đi chợ ngang, thấy hai anh em ngồi đó nên bà dừng lại nhìn, rồi móc tờ giấy bạc hai trăm ngàn đồng ra để vào chén. Hai anh em cúi đầu nói lời cảm ơn, bà già mỉm cười rồi đi tiếp. Người em cầm tờ tiền nhìn ngạc nhiên rồi đưa anh. Người anh mù cầm tờ tiền một lúc rồi hỏi bà bán báo đây là tờ tiền bao nhiêu. Bà bán báo nói: “Hai trăm!”. Người anh ra dấu với người em, đứa em gái già nua đứng dậy, nhìn quanh rồi níu tay anh chạy đi. Lúc chứng kiến cảnh đó, tôi nghĩ, chắc sợ bà già cho nhầm tiền rồi quay lại đòi nên hai anh em họ chạy đi. Thật là khó tin mấy người hành khất này…
Nhưng không, bạn ạ! Tôi đã đi theo họ, và khi đến gần bà già lúc nãy, người em trao tiền cho bà, người anh nói: “Dạ, thưa bà, tiền bà làm rớt”. Bà già nhìn ngạc nhiên, “Tui đâu có làm rớt đâu, tui cho hai anh em cậu mà”. Ông già mù tay run run, nắm tay em, cúi đầu “Dạ, xin cảm ơn bà. Tại từ trước giờ, không thấy ai cho tôi tờ tiền lớn như vậy cả! Xin cảm ơn bà nhiều lắm!”.
Tôi chứng kiến cảnh đó, lúc đó tôi đứng trơ người ra, chỉ biết nhìn họ và lòng đầy hối hận. Tôi bước lại, cầm tay người anh trai, không nói nên lời. Lòng tôi thầm cảm ơn họ, họ vừa dạy tôi một bài học quý giá về cuộc đời này…
* * *