CẦU NGUYỆN LÀ HƠI THỞ TÂM HỒN VÀ ỐC ĐẢO HÒA BÌNH
Tác giả: Gioan B. NGUYỄN XUÂN LỊNH
Sinh viên trường Đại học Sư Phạm Huế
Giáo phận Vinh, Giáo xứ Tân Phong, Giáo họ Yên Thuân.
“Trong Chúa, ta sống, ta chuyển động, ta hiện hữu” (Cv 17,28). Đức tin dẫn ta đến chỗ nhìn nhận Chúa là sự sống và là tất cả của chúng ta. Vì thế, phải hít thở Thiên Chúa như hít thở không khí, nghĩa là phải cầu nguyện liên lỉ, nếu không tâm hồn cũng sẽ như cành cây khô không được tiếp thêm nhựa sống và hoa trái của Cầu nguyện sẽ nở ra sự bình an trong tâm hồn và mang lại hòa bình thế giới như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô từng nói: “Cầu nguyện là hơi thở tâm hồn và ốc đảo hòa bình”
Lẽ nào cầu nguyện có một giá trị thiêng liêng dẫn ta đến Thiên Chúa thật sao? Mở ra một lối đi bình an cho ta tới nước trời và cần thiết trong đời sống?
Nhìn về lịch sử của các tôn giáo trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại nói lên thái độ con người không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa. Bởi lẽ con người từ Thiên Chúa mà đến và dẫu sa ngã phạm tội, con người vẫn là hình ảnh của Thiên Chúa và cưu mang trong tâm hồn nỗi khát khao tìm về Đấng đã gọi mình từ hư vô đi đến hiện hữu.
Khi con người đang tìm kiếm Thiên Chúa thì Thiên Chúa đã tìm kiếm con người trước. Đây là mặc khải lớn lao của Kitô giáo, cho dù con người trốn chạy Thiên Chúa hay tôn thờ những Thần Thánh giả hiệu, Thiên Chúa vẫn luôn tìm kiếm con người và kêu gọi họ. Như thế cầu nguyện chính là cuộc gặp gỡ kì diệu của hai nỗi khát khao và hai tiếng gọi, cuộc gặp gỡ ấy trải dài trong suốt chiều dài ơn cứu độ. Cầu nguyện từ lâu đã trở thành lương thực nuôi dưỡng Đức tin vào Thiên Chúa duy nhất, là phương thế giúp ta đạt tới sự viên mãn trong tình yêu giữa hai con tim là con người và Thiên Chúa.
Cầu nguyện chính là hơi thở tâm hồn, là đôi cánh nâng ta lên tới Thiên Chúa, là lương thực cho sự tồn tại của Đức tin như con cá cần nguồn nước, cây hoa mơn mởn ngoài cánh đồng cần nhựa sống và chất dinh dưỡng từ lòng đất mẹ để tồn tại, con người cần ăn uống đủ chất mới có thể tồn tại. Đặc biệt trong cuộc sống nhiều đảo lộn như hôm nay, con người mang một giá trị thiêng liêng, là tạo vật chóp đỉnh mang hình ảnh của Thiên Chúa có hai phần hồn xác nên con người cần một nguồn lương thực giá trị cho đời sống nữa đó là “cầu nguyện”. Nó cần kíp đến nỗi như Đức Thánh Cha Bênêđicto đã thốt lên “Cầu nguyện chính là hơi thở tâm hồn”.
Cầu nguyện chính là bài ca Đức tin tuyệt vời nhất được tạo ra từ sự khao khát thuộc về nhau của hai con tim. Cầu nguyện cần thiết biết dường nào trong đời sống Đức tin của người Kitô hữu, nó không chỉ là cứu cánh giúp ta đạt tới Thiên Chúa mà còn là bằng chứng cho công tác rao giảng Tin Mừng trước tòa của Đấng Tối Cao vì chưng lời cầu nguyện thân thưa với Thiên Chúa thật tuyệt biết bao. Nó giúp ta giàu có trong ơn nghĩa, sức mạnh và tình yêu như Thánh Anphongso nói: “Sự giàu có của chúng ta là cầu nguyện” để tồn tại được trong xã hội mà quyền lực tối tăm đang thống trị. Chúa Giêsu cũng vì cầu nguyện mà can đảm dâng trọn cuộc đời mình cho Chúa Cha và nhân thế, chịu đóng đinh nhục nhã, cuối cùng phải chết. Tuy là Chúa nhưng đồng thời cũng mang lấy sự yếu đuối của con người nên Chúa Giêsu cũng sợ lắm khi đứng trước cuộc khổ nạn mà Ngài sắp phải chịu như đã định trong công trình chung của Ba Ngôi “Lạy Cha, nếu có thể xin cất chén đắng này khỏi con” (Mt 26,39) nhưng rồi Ngài đã đón nhận trong tâm tình vâng phục “Xin đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha”. Tất cả vì sức mạnh của lời cầu nguyện, Ngài cầu nguyện đến “đổ mồ hôi máu”, chính lời cầu nguyện đã tiếp thêm sự can đảm và giúp Chúa Giêsu gánh lấy hết tội lỗi nhân loại trên thân thể yếu đuối của mình với tất cả tình yêu và lòng thương xót.
Với tầm quan trọng vô giá của lời cầu nguyện “Ngày nào không cầu nguyện là ngày vất bỏ. Bỏ cầu nguyện là tự dìm mình vào Hoả Ngục” (Thánh Anphongso), cầu nguyện đã trở thành lời tỏ tình tuyệt đỉnh của con người lên Thiên Chúa trong sự tự do ưng thuận của con người và cầu nguyện sẽ giúp con người đạt tới sự bình an, không chỉ với bản thân mà cho toàn thế giới.
Với Đức Thánh Cha Bênêdictô, Ngài gọi “cầu nguyện là ốc đảo hòa bình”, một ốc đảo với vẻ đẹp nguyên sơ vốn có mà Đấng Tạo Hóa đã ban tặng, là một kiệt tác tuyệt vời của Thượng đế cho tự nhiên. Vì không bị tác động của con người nên ốc đảo luôn được đặt trong tình trạng nguyên sơ như thuở sơ khai, nó sẽ toát lên một vẻ đẹp kiều diễm không chỉ về tự nhiên với những cánh hoa đủ sắc màu, các loài chim hót líu lo, các con thú tung tăng trên những cánh đồng, thảo nguyên… mà còn toát vẻ đẹp bình an, không bị tác động bởi nhân tố nào, mọi thọ tạo giúp đỡ nhau cùng tồn tại. Chính vẻ đẹp đơn sơ dịu dàng và bình an ấy mà Đức Thánh Cha đã ví lời cầu nguyện như ốc đảo. Đối với Thiên Chúa, lời cầu nguyện có một giá trị linh Thánh tuyệt hảo, là mối dây liên đới con người với nhau và con người với Thiên Chúa, trong cùng một nhịp đập của con tim. Vì “Cầu nguyện là sự im lặng Dâng hiến mọi thứ lên Chúa” (Soren Kierkegaard) với Thiên Chúa, Ngài thích lòng nhân chứ không cần hi lễ do vậy lời cầu nguyện ngọt ngào và tràn đầy tình nghĩa là một lễ dâng vô giá trước nhan Thiên Chúa, nó mang lại cho con người sự bình an trong tâm hồn, vì luôn có Chúa đồng hành trong lời nguyện của họ “bình an cho anh em” và “hãy đến với ta vì ta hiền lành và khiêm nhường”, Chúa nhân từ sẽ không bỏ rơi hay để lạc mất họ trong lúc hỗn loạn của ngày phán xét vì giá trị của lời cầu nguyện đã thúc bách, Chúa mang những linh hồn thiện chí về với Ngài. Cầu nguyện chính là viên ngọc quý, vừa đẹp nguyên sơ nhưng có nét đẹp kiều diễm được mài giũa trong từng câu nói.
Vậy ta nên cầu nguyện như thế nào? Cầu nguyện không chỉ đơn thuần là tình cảm bộc phát cũng không chỉ là kiến thức trừu tượng, vì thế, bước vào đời cầu nguyện, phải có ý chí, phải học hỏi và đem ta thực hành. Đặt mình trong truyền thống cầu nguyện của Hội Thánh chính là phương thế giúp ta bước vào đời cầu nguyện có nghĩa và thiêng liêng. Chúa Giêsu trước khi về trời cũng đã dạy cho chúng ta cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa nhất đó là kinh “Lạy Cha” mà ngày nay Giáo hội vẫn đang sử dụng trong các Thánh lễ là chóp đỉnh của phục vụ để dâng lên Thiên Chúa.
Với chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, đối với chị “Cầu nguyện là một sự trào dâng của con tim; cầu nguyện đơn giản là một cái nhìn hướng về trời, là một tiếng kêu nhận biết và yêu thương, ôm lấy cả thử thách lẫn niềm vui”. Cầu nguyện chính là lời tâm sự của con người đang yêu nhau một cách tha thiết, không có khoảng cách về không gian và thời gian, tất cả được kéo lại trong một khối tình yêu duy nhất. Chính tình yêu say đắm sẽ mang lại nguồn cảm hứng cho những lời thầm thì ấy thêm đậm mỹ từ và ngọt ngào hơn. Và theo như Chị Thánh Têrêxa, bước vào đời sống cầu nguyện cũng là bước vào cuộc chiến đấu, đó là kinh nghiệm của các Thánh, của Mẹ Maria và của chính Đức Giêsu trao lại cho chúng ta, bởi vì nếu cầu nguyện là ân huệ Thiên Chúa thì đồng thời cũng là lời mời gọi sự đáp trả của con người và muốn đáp trả, phải chiến đấu lại cơn cám dỗ muốn đẩy ta ra khỏi sự kết hiệp với Chúa.
Và khi vượt qua được những thử thách trong việc cầu nguyện thì hoa quả của cầu nguyện sẽ tuyệt vời gấp bội “Đang khi Cầu Nguyện, diện mạo Ngài khác thường, áo Ngài trở nên sắc trắng chói lòa”(Lc 9,29), nhờ sự cầu nguyện liên lỉ mà Thánh Antôn Padua đã được Thiên Chúa làm phép qua bản thân của Ngài “Con Lừa nhịn đói ba ngày không ăn cỏ, nhưng lại quỳ gối trước Thánh Thể Chúa Kitô”. Và cầu nguyên không chỉ mang lại sự bình an trong tâm hồn mỗi người mà còn liên đới với Thiên Chúa để kết nối yêu thương và kiến tạo hòa bình cho nhân loại. Về khía cạnh này, Mẹ Têrêxa Calcutta là một chứng nhân sống động.
Và ngày nay, mặc dù xã hội đang tục hóa do sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và các luồng tư tưởng vô thần đã làm phần nào ảnh hưởng đến với con người trong việc hướng niềm tin vào Thượng đế. Đối với nhiều tín hữu ở Việt Nam mặc dù có ảnh hưởng từ văn hóa xã hội nhưng vẫn còn giữ được nét tinh tuyền trong cầu nguyện bằng việc tham gia các sinh hoạt phụng vụ của Hội Thánh và đọc Kinh liên gia, đó chính là đặc điểm ơn Thánh Chúa vẫn đang dư đầy trên Hội Thánh Công Giáo ở Việt Nam và đang mở ra những trang mới tích cực trong việc gieo vãi Đức tin trên mảnh đất đầy gai này, mảnh đất của các vị anh hùng tử đạo.
Vậy bạn đã cầu nguyện chưa? Tôi và bạn, chúng ta hãy nhanh chân đến với Thiên Chúa qua sự âm thầm của lời nguyện để múc lấy nguồn ơn Thánh dạt dào từ Thiên Chúa, là nguồn mạch của mọi ân sủng để gìn giữ Đức tin và mang lại sự bình an trong tâm hồn chúng ta đồng thời góp phần kiến tạo hòa bình thế giới bằng lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa, hãy là “hành động nhỏ nhưng thành quả lớn” và hãy để lời cầu nguyện của chúng ta làm chủ đạo trong đời sống tín thác vào Thiên Chúa là Cha nhân từ.
Chính sự cần thiết và giá trị của lời cầu nguyện mà Đức Thánh Cha Bênêđictô đã viết “cầu nguyện là hơi thở tâm hồn và ốc đảo hòa bình” qua những kinh nghiệm trong đời sống Dâng hiến và đặc biệt là ở vị trí kế vị Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã mở ra một con đường nên Thánh tuyệt vời đó là cầu nguyện “con đường nên Thánh trẻ, lấy vui vẻ làm đầu, cầu nguyện nhớ chuyên sâu…”. Chính tình yêu dứt khoát và mầu nhiệm của Chúa Kitô trong Hội Thánh đã thôi thúc con người không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa là cùng đích sự sống, là nguồn mạch của mọi ân sủng và “Cầu Nguyện” là lời tỏ tình đáng quý và dễ thương nhất giữa hai con tim là con người và Thiên Chúa. Vậy nên, chúng ta hãy cầu nguyện như Chúa Giêsu đã dạy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen”
* * *