Giải: D
Chùm tác phẩm
MÃI MÃI HOA SỨ…
Tác giả: Võ Đăng Khoa
– Chờn! Phải chi…
Thằng Hoàng hay chắc lưỡi nói vậy mỗi lần nghe bà ngoại nó kể chuyện đời xưa. Nói nghe buồn cười, chứ cái thằng đó nó giống như già trước tuổi. Mà thiệt tình là vậy, nó vẫn thường tiếc nuối những ngày xưa cũ, rồi buông một câu thở dài lấp lững “phải chi…giờ còn như vậy há!” hoặc đại loại thế.
… Hoàng là một thằng con trai đã mười ba tuổi, tóc hớt chải cao, trán dồ, cùng với cái miệng rộng hoác xấu xí. Đôi lông mày đen như sâu róm vễnh ngược lên như tướng, trông dữ dằn lắm. Nhưng tánh thằng Hoàng thì hiền khô, như cục đất. Lúc bị đánh hay uất ức nó chỉ khóc lu loa mét ngoại. Nó thương ngoại!
Cả gia đình nó từ thời ông cố bà cố, ông ngoại bà ngoại rồi đến ba mẹ nó đều làm ruộng. Khiến bà ngoại nó lâu lâu lại rầu, biểu nó lại gần, nói “Cái bùn, cái phèn nó ngấm vào từng ngóc ngách nhà mình rồi. Còn mình mày ráng mà rửa cho sạch nghe con”. Thằng Hoàng mặc dù chưa hiểu hết nghĩa câu nói nhưng nó vẫn học giỏi. Từ đó tới giờ chưa lần nào nó bị điểm kém và cũng vì lẽ đó nó được ngoại cưng chìu nhất nhà.
Tuy đã lớn tướng nhưng đều đặn, hễ tối tối sau khi học xong bài là thằng Hoàng lại chui vào mùng bà ngoại nằm nghe bà kể chuyện đời xưa. Cái cảm giác mát mát và tiếng lạch phạch từ chiếc quạt tay bà phẩy đã gắn bó với thằng Hoàng từ lúc nào không biết, nhưng giờ nếu vắng điều đó, chắc nó chết mất!
Ngoại nó thường bắt đầu kể với giọng trầm trầm bằng từ “ Để coi”, như lục lọi từ trí nhớ:
– Để coi…ơ… hồi đó đó nước lên hé, trắng đồng luôn. Ta nói nước từ đâu đổ về mà nhiều dữ lắm…
– Mà giờ hết rồi há ngoại?
– Ừ… giờ người ta ngăn đê lại hết rồi!
– Tiếc quá, con chưa gặp nước lũ ra làm sao…
Thằng Hoàng khẽ thở dài, kiểu như một ông già lỡ làm mất bộ răng giả hay đi ăn đám giỗ mà để quên đôi dép. Tưởng như là nhỏ nhặt nhưng lại quí giá với mấy ổng lắm, gọi là… giá trị tinh thần!
Cái thở dài đó khiến bà ngoại thằng Hoàng sẽ mỉm cười, nhưng bà không trả lời câu hỏi của nó, mà kể tiếp:
– “ Tháng bảy nước nhảy lên bờ”, y chang vậy đó, nhưng tháng mười nước lên mới nhiều. Còn cá thì… ôi thôi, kể sao hết. Mấy cái nhà sàn cao cao đó, ngồi ngoài hàng ba mà câu cá. Còn mấy đứa con nít nhỏ nhỏ cỡ mầy vậy nè, tụi nó bơi xuồng đi hái bông súng, điên điển. Vui lắm à con!
Lúc bà kêu mày khi lại kêu con, nghe lộn xà bần. Nhưng thằng Hoàng lại yêu cái xưng hô đó- thân thuộc và bình dị của người miền quê.
Bà thằng Hoàng cứ nhớ tới đâu lại kể tới đó, tưởng như là bà tự kể cho mình nghe, còn thằng Hoàng thì nghe lõm. Cứ như thế, bà kể cho đến khi đứa cháu cưng của bà ngủ cạnh bà.
Rồi bà nhìn nó.
Nhìn cái miệng ngáp ngáp của nó mà bật cười. Có đôi lúc, bà tự nghĩ sao nó lại thích nghe bà kể chuyện như thế, mặc dù tất cả những chuyện bà biết, bà kể cho nó hết rồi. Nghe lại, nó cũng vui.
Bà ngoại thằng Hoàng khẽ hôn lên trán nó, rồi quạt “lạch phạch” lên mớ tóc xù xòa của nó vài cái, mới nhắm mắt ngủ thiếp.
Năm mười lăm tuổi, thằng Hoàng vẫn rất thương ngoại và nó bắt đầu thương cả những quyển sách!
Nó mê ơi là mê mấy quyển sách trong thư viện. Thay vì ở tuổi nó, người ta sẽ thần tượng một ca sĩ hay một diễn viên nào đó. Còn nó, nó mê mấy nhà văn Nam Bộ. Nó thần tượng Nguyễn Quang Sáng, Sơn Nam với Đoàn Giỏi nữa.
Trưa trưa, ngồi cạnh chiếc võng bà ngoại đưa, nó đọc cho ngoại nó nghe. Lâu lâu, thằng Hoàng lại mỉm cười khi thấy mắt bà lóe sáng:
– Ừ, ừ…Hồi đó vậy đó con!
Những lúc nhìn bà cười, nghe bà nói chuyện vui vẻ như thế, thằng Hoàng lại cảm thấy sờ sợ. Nỗi sợ đó làm cái miệng rộng hoác của nó mếu xệch trong phút chốc.
Nó hay hoảng hồn với những câu nói trong đầu: sao bữa nay bà nó ho nhiều vậy; trời ơi, tóc bà bạc hết trơn; Da cũng nhăn nheo, bà sụt hết mấy kí lô rồi?!
Cuối cùng, mặt nó sậm suống sợ sệt: “Bà còn sống với mình bao lâu nữa?”
***
Thằng Hoàng lắc đầu, rồi vụt chạy ra trước sân, hái vào một bông hoa sứ. Nhẹ nhàng nó bảo:
– Ngoại nằm im nha ngoại!
Nó cài cái hoa lên tóc ngoại mình, xong, nó ghé vào tai ngoại:
– Nhìn bà ngoại như là đôi mươi ấy, bà còn đẹp quá chừng!
Đoạn thằng Hoàng cứ ghì mãi bà ngoại mình vào lòng, cho đến khi bị lôi ra.
Đâu thể vì một mình nó mà để trễ nãi được, người ta nhanh chóng đậy cái nắp hòm, mặc cho thằng nhỏ khóc òa như mưa.
HẾT
CÁI GU TAY
Tác giả: Võ Đăng Khoa
~~~ ~~~ ~~~
Mẹ tôi hay nói về đôi tay và về những cái gu tay!
Thế bạn có biết gu tay là gì không?
Nói dễ hiểu, gu tay là nơi khó khăn nhất mà chiếc nhẫn đi qua khi ta mang vào. Đặc biệt là với những ai có gu tay to, rất khó và cũng rất xấu khi mang nhẫn. Bởi thế mà mẹ tôi rất quan tâm đến nó. Lâu lâu mẹ tôi lại bảo cô bác sĩ này, chị trên xã kia nhìn rất sang rất đẹp mà gu tay lại to quá xấu quá. Người làm việc “bàn giấy” thì phải có đôi tay đẹp, mẹ tôi quả quyết thế!
Chắc suy nghĩ ấy đã có trong mẹ từ rất lâu rồi, nên lúc nhỏ những lần mà thấy chị em tôi bẻ tay là mẹ la ngay. Đặc biệt là hai chị, do chị là con gái, tay phải đẹp mới được. Nhìn vào người ta mới có cảm tình – mẹ tôi nói thế.
Các chị tôi học rất giỏi, theo mẹ thì các chị sẽ làm việc “bàn giấy”. Mẹ tôi tự hào lắm khi nhận định ấy đã rõ ràng hơn ngày các chị có giấy báo vào đại học. Rồi chị đi học xa, lâu lâu mới về. Mà hễ về là làm việc nhà phụ mẹ. Nhưng những lần như thế mẹ lại can ngăn không cho. Bởi mẹ tôi sợ con mình sẽ – có – gu – tay! Thế là mẹ tôi làm hết mọi việc. Dù hai chị tôi có “can thiệp” đến thế nào cũng chỉ có thể phụ giúp được các việc như rửa rau, phơi đồ, úp chén,… Thỉnh thoảng mẹ tôi lại đặt tay chị lên chân mình, nhìn, rồi cười. Mẹ tự an ủi bản thân bằng đôi tay trơn tru, đẹp đẽ của chị. Hài lòng khi đứa con làm việc “bàn giấy” của mình có một bàn tay đẹp.
Vậy còn mẹ, tôi thấy gu tay của mẹ to lắm. Ừ! Cũng phải… Mọi chuyện trong gia đình, đồng áng. Mẹ cùng cha gánh vát không một tiếng thở than. Có lúc tôi hỏi mẹ, “mẹ, hồi còn con gái chắc tay mẹ đẹp lắm!”. Mẹ tôi cười “ừ!” trong niềm tự hào sáng lên trong đôi mắt. Nhưng lúc ấy lòng tôi lại thấy đau đau. Bàn tay ấy, tuổi thanh xuân ấy, mẹ đã đổi lấy những gì tốt đẹp nhất cho chị em chúng tôi. Gu tay, nơi mẹ nâng niu từng chút cho chị em tôi, ở mẹ lại là một vết chai mà thời gian để lại…
Bây giờ, tôi hay nhìn tay con gái, chị gái, dì, bác gái,… (nói chung là tay của những người phụ nữ) rồi đoán biết rằng họ có một người mẹ thương con hay chính họ là những người mẹ thương con.
HẾT