MỘT THỜI CỦA MẸ
Tác giả: VÕ ĐĂNG KHOA
Lớp 11A2, trường THPT Ung Văn Khiêm – Chợ Mới, AG
Lúc nào nhìn, tôi cũng thấy mẹ rất đẹp, ngay cả lúc tôi viết những dòng này cũng vậy…
Người trong xóm kể rằng, hồi còn con gái, mẹ là hoa khôi trong cả vùng cù lao quê ngoại. Cô “tiểu thư” rời quê sang sông về với ba, về với ruộng đồng, tay lấm chân bùn. Ba vẫn thường nói, mặc dù chịu cực chịu khổ vậy mà mãi đến sau này mẹ vẫn còn đẹp ơi là đẹp. Tóc mẹ dài óng mượt, ba yêu mái tóc ấy, đen mịn như được vẽ bằng một loại màu kỳ diệu của tạo hóa. Mẹ nâng niu và thường gội đầu bằng trái bồ kết, giữ cho tóc có mùi thơm nhè nhẹ vừa gần gũi hương đồng nội mà vừa thoang thoảng yêu thương. Da mẹ trắng hồng, môi mẹ mọng nước. Dáng người mẹ thướt tha, mẹ đi đứng dịu dàng yểu điệu. Chậc lưỡi, ba tôi nói, mẹ tôi ngày trước đẹp lắm, ba híp mắt mơ màng kể, mỉm cười trong khói thuốc vẫn vơ bay…
Rằng mẹ tôi từng có một thời điệu đà, một thời con gái xanh tươi như hoa mùa rộ nở!
Ba lấy quyển album ra, chỉ ngón tay chai sần vào từng bức ảnh cũ. Lâu rồi, tôi đã không lật từng trang lưu ảnh để xem như thế này. Vì vô tình (hay vô tâm) chúi đầu vào xem điện thoại. Tôi giật mình khi thấy mẹ trong ảnh khác với bây giờ nhiều quá. Đúng như lời người trong xóm nói, mẹ tôi ngày xưa thật đẹp!
Mẹ mặc áo dài trắng, tóc thả dài, có lúc bay nhè nhẹ theo gió; chắc là do có gió thổi nên tà áo mẹ trông đẹp hơn, lả lướt hơn. Trước ống kính của chiếc máy ảnh những năm chín mươi, mẹ tôi cười rất tươi, nụ cười đó dường như giờ đã bị thời gian làm héo hon, tàn phai như lá, có mùa úa màu nhưng vẫn mang một sắc đẹp và đặc trưng cho cành lá!
Ở một bức ảnh khác, mẹ tôi mặc sườn xám hồng, tay làm duyên đặt trước bụng. Mẹ mang đôi guốc trắng, chân bước chéo tựa như đang bước đi. Thướt tha và duyên dáng. Mỗi bức ảnh, mỗi khoảnh khắc ảnh, mẹ đã đẹp đẽ như sương sớm, trong veo và long lanh. Tuổi xanh của mẹ cũng như những cô “tiểu thư đài các” khác, cũng có những đầm, những áo dài, những guốc cao, môi đỏ… Mẹ cũng rất thích đi đây đó, chụp hình ở rất nhiều nơi. Đó có thể là những bãi biển xanh thẳm, mẹ vùi chân trần lên cát. Có đến năm bức ảnh chụp mẹ đi biển, hẳn là mẹ yêu những cơn gió mát và vị mặn mòi của sóng nước xanh trong, nơi mẹ thấy tự do và thoải mái. Mẹ đi núi, đặt tay lên một tảng đá to, tay còn lại mẹ chống ngang hông, bức ảnh này bị sờn màu ở góc trái. Những bức ảnh như thế giờ chỉ còn là kí ức, những kí ức xa xăm được cô đọng thành hình, lưu giữ ở một kho thời gian mà những bức ảnh là chiếc chìa khóa mở, mở ra một cánh cửa bước vào một nơi mà mẹ thấy như vừa mới qua, chỉ vừa mới qua thôi…”
Mẹ có muốn được sờ lại chúng không, có muốn được hôn vào gió mặn bằng một đôi môi hồng một lần nữa không?” Mỗi khi nghĩ đến câu hỏi ấy là lòng tôi lại thấy xót xa. Tuổi xanh của mẹ, nét đẹp của đôi mi, ánh mắt, nụ cười, mái tóc mà bà ngoại chăm chút, ông ngoại cưng chiều đã phần nào mờ đi theo thời gian. Để lại một khoảng hồi tưởng nhớ thương qua những bức hình cũng nhòe đi theo năm tháng. Cánh đồng khô làm da tay mẹ nứt nẻ, mùa giáp hạt làm mẹ thêm những âu lo, vết hằn trên trán. Khói bếp quẩn quanh gian nhà nhỏ làm môi mẹ khô cằn, đôi mắt nheo nheo hằn rõ những vết chân chim. Trút sữa cho con thơ, mẹ đã trút những tháng ngày xanh tươi cho bầy con ngày một lớn; dấu tích không là gì ngoài mớ tóc xác xơ màu khói của mẹ, lặng lẽ trắng dần, lặng lẽ hiến dâng, lặng lẽ cứa vào mắt những đứa con khi chúng “nhìn thấy tóc mẹ năm nay bạc hơn năm ngoái”, lặng lẽ như bóng đêm, như những hy sinh của mẹ. Lặng lẽ!
Ba lại kể, rằng mẹ từng có một thời mộng mơ, sướt mướt, khóc ké cho những chuyện tình người. Có lẽ hồi trẻ mẹ mê đọc tiểu thuyết, giấu chúng để mà đọc. Rồi vui, rồi cười, rồi mừng, rồi tủi, rồi tức, rồi ghen, rồi thương, rồi khóc… theo từng trang sách, từng trang đời người trong tiểu thuyết. Đôi lúc, thấy mẹ khóc, ba cứ nghĩ mình đã làm gì mẹ buồn. Nhưng nào có đâu, mẹ chỉ thương cho con vịt lội năm đồng bảy đỗi, thương cho ông cụ ăn bán vé số giữa trưa nắng gắt lội bộ hàng cây số ngoài đường, thương cho con nhỏ kế nhà không se duyên được với người thương, thương cho con chim non trên tổ ở góc nhà đêm qua bị chuột tha đi mất… Nhưng mẹ ơi, mẹ có biết không? Những đa cảm, yêu thương và đức tính trung hậu đảm đang của mẹ là tấm gương dạy cho chúng con những bài học về sự yêu thương và tử tế đầu đời!
Hôm qua, mẹ kêu chị Hai ra thông hành ngồi nhổ cho mẹ mấy cọng tóc ngứa. Chị Hai vừa nhổ tóc ngứa, vừa nhổ tóc bạc và vừa khóc. Mẹ nói, đừng nhổ tóc bạc nghen con, nó có xanh thì nó có bạc, cứ để vậy cho nó vui. Mẹ tôi là thế đấy, lúc nào cũng lạc quan và luôn nghĩ cho người khác mà quên đi rằng mẹ đã già đi từng ngày theo năm tháng! Đứng bên cửa sổ nhìn, chưa bao giờ tôi thấy lòng mình mênh mông đến vậy. Tôi muốn khóc thật to: Khói ơi, xin đừng làm tóc mẹ tôi bạc nữa, tôi sẽ đền, nhất định tôi sẽ đền… Khói ơi… Tóc ơi…!
* * *