NGƯỜI TRUYỀN GIẤC MƠ
Tác giả : HỒ THỊ ĐANG NGỌC
Trường THPT Châu Văn Liêm-Chợ Mới-An Giang
Sau những ngày nắng hạn cháy khét rồi cũng sẽ có mưa rào, chỉ là có chờ được hay không thôi!
***
Giật mình giữa khuya, giấc mơ về hai người nông dân đã ám ảnh Hậu:
“Công an hỏi bà vợ: Nhà ở đâu?
Bả lắc đầu trả lời không biết!
– Bà tên gì?
Bà cũng lắc đầu không nhớ.
– Lúc chồng chới với gần chìm dưới sông sao bà không la lên cho người ta đến cứu?
Người đàn bà nhìn anh công an cười cười rồi bỏ ngỏ câu hỏi đó.
– Ai biểu nó tự nhảy xuống sông tắm rồi tự chìm, lỡ ý của nó muốn chìm cho ngộp thở thì ai mà biết được?
Trời nắng nóng như muốn thiêu sống những con người đang nhầy nhụa trong những cánh đồng khô khốc trước mặt họ. Người chồng bước trước vợ như thể sợ vợ mình hứng hết cái nắng cháy da cháy thịt. Nốc gần hai lít rượu trắng mà từ sáng giờ chưa có hột cơm trong bụng nhưng ông chẳng bận tâm tới chuyện xin xỏ để có miếng ăn lúc này, ông đi đâm đâm tới phía trước có con sông để tắm một trận đã. Người vợ cầm cái ca mẻ ngoài sau vừa đi vừa nhìn người qua đường, trao đều cho mỗi người một nụ cười trơ trớ.
Năm nay trồng cái gì xuống đất cũng không thấy lên mầm, thất bát đã đời, nợ nần chồng chất. Hai vợ chồng trả nợ không nỗi phải bỏ quê đi trốn, lạc tới đây thành ăn mày. Hỏi sao ổng không muốn chết!”
Thế kỷ này mà ở dưới quê vẫn có người làm không đủ ăn! Hậu trở mình khi nghĩ đến hai vợ chồng già vừa mơ đến.
***
Sáng sớm, khi thức dậy trời đã không ngớt mưa. Cái lạch nước tràn lên cả bờ, mấy con cua lanh chanh bò vào sân nhà. Gió đùa giỡn quá đà với cây xoài vừa nhú trái non đầu hàng. Với trò chơi dai dẳng và mệt mỏi của gió, cây xoài phải uốn mình tất tả rũ gần như trơ trọi hết lũ xoài con của mình xuống đất.
Năm ngoái mưa rất hiếm hoi. Năm nay nước trời đổ xuống nhiều hơn gấp bội, rửa sạch trọi cái lu sành bám tro ngoài sân. Nếu sáng nay trời không mưa thì bà hai đã phơi được cái mâm cơm khô thêm một nắng nữa ngoài đường, để sẵn để vài bữa nghỉ lễ thằng Hậu về quê có cái nhai nhóp nhép. Đang ngồi trong bếp đun ấm nước, thấy lửa đã cháy đầy đặn, bà nhìn quanh tìm cái gì đó để làm cho vui tay nhưng chẳng có gì, bà sực nhớ mớ khoai lang đào được hôm qua ngoài vườn cất trong tủ, mang ra rửa sạch rồi luộc để dành cho chồng đi thăm vườn thuốc về ăn.
***
Thằng Tâm từ hồi nhỏ xíu đã thích làm bạn với thú vật, nó hay lại nhà dì Hai để nhào vô ôm gà, ôm heo cho ấm da ấm thịt. Có bữa, nó ngồi ngoài hè buồn rầu vì bị mẹ la không cho đi học, nó nhìn con rắn lãi con đang bò cặp mé mương rồi nói một mình: “Hay nhảy xuống sông chết, chán sống lắm rồi!”. Má nó ngồi mần cá gần đó nghe được, giận quá, cầm cây rượt nó chạy bán sống bán chết. Nó cắm đầu chạy mút qua hàng bạch đàn rồi nhảy xuống bờ đê chạy tiếp vào mấy cái ô ruộng đầy lúa đang rộ đồng. Má thấy nó chạy dữ quá, lỡ chân vấp té thì khó sống nên bỏ cái nhánh cây trên tay chạy theo năn nỉ thằng con quay lại đi mai mẹ cho vô lớp một học với mấy bạn, hứa không đánh nữa. Nghe nói vậy, Tâm quay đầu lại nhìn, nó nghĩ bằng mọi giá mình phải đi học.
Vào lớp một, Tâm vẽ đẹp nhất lớp, được bầu làm lớp trưởng. Lên lớp hai đứng trước lớp kể chuyện chú cuội cung trăng trôi chảy, rồi lên lớp năm được học bổng trường cấp hai ở thị xã cách nhà một tiếng đạp xe nhưng vì nhà nghèo quá, lại là anh cả, nó phải đi làm nuôi mấy em nhỏ nên cha mẹ nhất quyết không cho học tiếp. Ban ngày Tâm bám theo mẹ nói “mẹ ơi cho con đi học đi, con hứa chỉ cần mẹ cho đi học thì chuyện ăn uống, quần áo con tự đi bán bánh mì kiếm tiền mua”. Mẹ Tâm nạt: “Mày đi học ai trông nhà, ai cho mấy em mày ăn uống khi tao với cha mày đi làm ngoài đồng!”, Tâm đành ở nhà ban ngày quét nhà, nấu cơm, trông em, ban đêm theo chú tư học nghề trong cái trại mộc gần nhà để kiếm tiền nuôi gần chục đứa em. Từ cái ngày ấy, Tâm luôn cảm thấy buồn buồn y hệt như hồi lúc nó nói câu “muốn nhảy xuống sông chết”, tối nào ngủ cũng mơ thấy được đi học.
Mười bảy tuổi, cha bị bệnh lao, Tâm đi Sài Gòn làm mướn, chủ yếu là làm mộc nhưng ai sai gì làm đó để kiếm tiền gửi về cho cha. Lâu lâu về quê một lần, lúc đi qua cái đò ngang chạy qua con sông Hậu, thấy nước sông đang mùa phù sa tràn trề, Tâm lại nhớ tới cái hồi mình đòi nhảy sông tự tử vì không được đi học, Tâm tiếc rẻ nếu được đi học thì chắc giờ đã khác, đã được khoác đồ tây đi dạy học, không cần phải đi làm mướn ở xứ người. Tâm tự hứa rằng, sau này có con, nhất định cho con đi học để làm chủ, không phải cực khổ như mình.
Lần đó về quê, Tâm qua thằng bạn học hồi nhỏ chơi và được giới thiệu gặp Giang. Tâm thương Giang, cô gái có mái tóc ngang vai, ở cái nết dọn mâm cơm khéo, cái tay nhỏ nhỏ xới cái nồi cơm dẻo thơm bưng, rồi khéo so đôi đũa bằng ro, khéo lấy trái ớt xanh bỏ vô chén nước mắm cho anh cắn the the, khéo tay múc canh khoai mỡ mà hổng có làm rớt hột nước nào. Tâm hay giỡn: “Anh thương em chết bỏ! Hổng cưới được em, anh vô chùa đi tu cho rồi”.
Rồi hai người cũng thành vợ chồng, cha mẹ Tâm thương Giang nhiều lắm nhưng ở với nhau mãi hai năm trời mà Giang không đậu thai. Hai vợ chồng hay đi chùa khấn vái, ăn trái này uống nước kia vẫn không có con. Hai năm sau, khi Giang hai bốn tuổi thì đậu thai, đẻ thằng Hậu xong, Giang ở nhà chăm sóc cha mẹ chồng, Tâm lại đi Sài Gòn mưu sinh.
Hồi mới đẻ thằng Hậu, ngày nào đi đồng về, mở cái lồng đậy ra, Giang cười là nó ngểnh đầu lên để cười lại, Giang thấy vui trong lòng, nghĩ con mình đẻ ra đã nhanh nhạy. Từ khi sinh con, ngày nào Giang cũng ngủ ngon tới sáng, có bữa mơ thấy con mình lớn, học nghề mộc như cha, chở gỗ bên Campuchia về mở cái trại đóng tủ rồi đem ra chợ bán, rồi làm chủ, thuê mấy người thợ khác nữa, tiền đếm hoài mà không hết.
Hậu lớn nhanh. Lúc đó nhà nghèo lắm, ba vẫn đi làm xa lâu lâu mới về, nhà nó sáng nào cũng bắt cái nồi cơm thiệt lớn lên bếp để bốn người trong nhà ăn cả ngày, nải chuối treo kế cái kệ chén, chai nước mắm để bên hông cái lu gạo, đói bụng mà ăn cơm trắng, chuối chín với nước mắm kho quẹt là đủ ấm dạ. Giang đi đồng bắt được rổ cá là đem về kho quẹt để dành cho ông bà có sức khỏe và cho Hậu ăn để có sức mà học. Tiền cha nó gửi về Giang giữ rất kĩ càng. Mỗi lần thấy cha gửi tiền về, Hậu lại mừng trong bụng, nghĩ nhà mình có nhiều tiền hơn nhà thằng út, con mén vì tụi nó cũng trạc tuổi nhưng không được đi học, không có ba ở Sài Gòn làm gửi tiền về hàng tháng.
Ông bà nội Hậu lần lượt ra đi, tuy đó là chuyện không vui nhưng bù lại mẹ Hậu có nhiều thời gian rảnh hơn lúc trước nên bà nhận áo về thêu để có thêm thu nhập. Lần nghỉ hè vào lớp bảy, Hậu nằng nặc đòi mẹ mua cho mình cái áo mới và mua chiếc xe đạp mới để tựu trường đi học, Mẹ nói để hỏi cha xem có nên mua những thứ đó cho con không? Lúc vợ hỏi, Tâm nghiêm nghị trả lời: “Áo con còn mặc được, trường gần nhà thì đi bộ đi học, sao phải mua mới? Tiền này là tiền tiết kiệm để dành cho con học Đại học để đi làm được ngồi phòng mát với con nhà người ta. Bà đừng có xài tầm bậy…” Mẹ thằng Hậu ngắt lời: “Tôi có bao giờ xài tầm bậy tầm bạ tiền của ông chưa mà nói vậy? Mua cái gì tôi cũng gọi hỏi ông đó chớ!” Mẹ giận cha nói mà không suy nghĩ nên cúp máy.
***
Khi Hậu lên mười bảy, cha nó phải nghỉ việc trên Sài Gòn vì sức khỏe yếu do hít quá nhiều bụi bặm trong xưởng mộc. Hậu nói với cha mẹ là muốn học nông nghiệp, mẹ Hậu nghe ước muốn của con hổng phải hướng dẫn viên du lịch như con Út con bà bảy, kĩ sư điện tử như thằng Công, kế toán như con Nụ thì kêu lên một tiếng “Trời! học cái ngành đó làm gì ăn con?. Ba mẹ cho con đi học để con được ngồi máy lạnh lãnh lương tháng, để con hổng có ra ruộng cày như trâu giống ba mẹ nữa chớ muốn làm lúa thì cần gì tốn tiền đi học!”.
Hậu không biết nói gì với mẹ nữa.
Là đứa được sinh ra ở đồng bằng, con của nông dân, Hậu đâu có quên được cái cảnh mẹ mình khom lưng làm lúa, xạ phân. Hậu nhớ rõ rành rạnh mỗi lần mẹ đi nhổ lúa lai về là nằm than đau lưng quá trời. Làm lúa cực lắm, hơn ba tháng mấy trời mới có ăn. Có mùa, đêm trước ngày cắt thì mưa tầm tã từ xế chiều, nước xối xuống mái tôn ào ào, đêm đó mẹ Hậu nằm mà nước mắt cũng rớt xuống gối dầm dề như mưa vì mẹ biết lúa ngoài đồng giờ đã nằm rạp xuống đất hết cả rồi. Mùa thu hoạch đó, lúc cắt phải lôi đầu cây lúa lên, nước rỏ xuống ròng ròng trên tay, bọn thương lái kèo cò giá, bán xong không lời mà còn lỗ luôn tiền công.
Rồi năm kia, mẹ Hậu xả nước vô ruộng như bao ngày khác, tối về mẹ nói lúa lên tốt lắm, xanh lịm, vậy mà sáng bữa sau vô thăm, cả cánh đồng lúa vàng lá mới tá hỏa ra là nước bơm vô ruộng mặn chát. Cũng năm đó, cả đồng bằng gặp hạn nặng, bà con mỗi ngày chỉ xài có một xô nước đục ngầu, phải mua thêm nước ngọt để xài. Ông trời như đổ xuống đồng bằng một ly trà đặc vàng đồng, cái thứ nắng thiêng đó làm cho con người không những không tỉnh táo đến tê dại mà còn khó chịu, bứt rứt cả thân thể lẫn thần kinh, phải ép buộc thưởng thức ly trà đó là điều không người dân nào muốn.
Người ta viết trong sách rằng miền đồng bằng chằng chịt sông ngòi, đầy nắng và gió, sản lượng lúa làm ra đứng đầu cả nước. Ngày trước chưa có hạn thì lúa nhiều đứng đầu cả nước thật nhưng nghèo khó vẫn cứ lởn vởn đâu đó trong cái không khí hanh hanh quê mình, dù có làm lúa trúng tới đâu cũng không làm giàu được, còn những lúc hạn như vầy thì chỉ mong có đủ lúa xay gạo ăn đỡ đói. Năm hạn đó, bạn bè của Hậu, những ai sức dài vai rộng đã mang ước mơ tới thành phố lớn đi làm công nhân, bảo vệ,.. ở đó có nước đủ xài dù hơi bẩn một chút, có chỗ ở dù chật tới mức quay qua quay lại là đụng tường, nắng cũng cháy bỏng da thịt nhưng nếu đi làm thì có tiền để gửi về nhà.
Hậu đã không được đi học ngành mình muốn.
***
Mới đây mà Hậu đã lớn, đi làm gửi tiền về kêu cha mẹ ở nhà nghỉ ngơi đừng ra đồng nữa chi cho cực nhưng người nông dân đâu thể bỏ đất. Ông Tâm lấy đất rẫy trồng đinh lăng, lược vàng, ngải cứu, để giúp mấy nhà thuốc nam trong làng, những cây thuốc luôn tươi xanh như chờ người ở nhà thuốc tới cắt. Ông bà còn mướn thợ xây luôn cái nhà hốt thuốc nam nho nhỏ gần nhà để giúp đỡ bà con lúc có bệnh hoạn. Vườn xoài, bắp, gừng và vô vàn lúa xanh bao quanh nhà thuốc nam của ông bà. Hôm nay bà Hai đi chợ mua đồ về nấu bánh canh chờ thằng con trai về ăn.
Mỗi khi bước ra tới đầu hẻm trọ, mùi thơm từ nồi bánh canh của bà cụ già thấm vào trong không khí, ngửi vào trong người, Hậu thèm ăn cái nồi bánh canh của má nấu. Má nấu bánh canh là tự nhào bột, nấu nước lèo, nêm thịt và tép rồi lấy cái chai sành rỗng rồi phủ bột lên hết cái chai, má dùng cái cung nho nhỏ làm bằng dây gân với thanh tre uốn con cắt từng sợi bột trắng như mấy con rắn rồi cho nó rơi tỏm vào nồi nước lèo làm ra một món ngon khó tả cho nên khi mẹ điện hỏi Hậu muốn ăn món gì thì anh trả lời ngay là bánh canh.
Hậu quyết định chia tay thành phố. Lúc dọn đồ chuẩn bị lên xe thì tràn đầy năng lượng! Chỉ sợ lúc xách giỏ về lại nơi cũ không biết có hụt hẫng, chán chường không? Hai chín tuổi rồi, Hậu cảm thấy nhỏ nhoi và không thể nhìn vào mặt mình khi đứng trước gương vì trong hốc mắt mình, Hậu biết công việc mình đang làm lương cao nhưng không cho Hậu niềm vui sướng mỗi ngày. Vẫn còn đó một ước mơ, một dự định thôi thúc Hậu bỏ việc, trở về quê làm việc với cây lúa, với người nông dân.
Hồi chiều này, Hậu tình cờ gặp lại Hải, một người bạn cùng quê và cùng cảnh ngộ, cha anh mất trong một tai nạn trên đường đi làm ở xưởng đóng tàu. Lên lớp chín, Hải phải nghỉ học thay mẹ đi làm, lúc đó tuy mới ít tuổi nhưng anh phải là trụ cột trong gia đình hai nhân khẩu. Dù cuộc sống nơi quê nhà nghèo khó nhưng Hải vẫn kiên quyết bám đất bám làng. Hậu gặp Hải trên thành phố khi đang đi chào hàng mấy mớ nông sản sạch của mình cho hơn mười mấy quán ăn rồi mà không ai đặt cọng rau nào. Người ta chê bán giá cao mà nông sản trồng sạch không có giấy chứng nhận, có hôm còn không đủ tiền xe đi về cái xóm nghèo của mình. Hậu hỏi sao anh không bỏ phức cái đồng ruộng khô cằn chết đói đó mà lên thành phố sống chung với Hậu? Ở trên này có nước máy, có điện thoại, đi làm là có tiền xài chớ đâu như ở quê dù có làm cách mấy mà ông trời không thương thì tiền mua cá về ủ mắm chỉ có trong mơ.
Hải hỏi Hậu không nhớ hồi nhỏ mình hay đi chơi chung rồi hứa với nhau học thiệt giỏi sau này làm cái đồng bằng đẹp đẽ và giàu có hơn sao? Hồi trước Hải không có đủ tiền đi học, anh phải đi làm mướn suốt cả tuổi trẻ để nuôi mẹ và dành dùm tiền đi học lại, anh muốn học vì anh biết chỉ có một thứ duy nhất làm thay đổi được cuộc đời của con người, đó là kiến thức! Hải biết ở cù lao từng trồng lúa nhiều nhất đồng bằng bị bỏ trơ trọi vì hạn, anh mơ thấy mẹ nói với anh “chỉ có con người bỏ đất, chứ đất không bao giờ bỏ người”. Anh nói: “mình ráng đầu tư thời gian và sức lực thật nhiều thì mọi thứ mình muốn sẽ trở thành sự thật”. Thứ anh muốn nhiều lắm, anh muốn chỗ của mình lúa xanh như biển, nông dân có đủ tiền mua ô tô, có trực thăng đi phun thuốc. Chờ vài năm, anh sẽ trồng lại lúa, nuôi thêm tôm, thêm vịt nước mặn,… làm lại từ đầu. Hồi nhỏ, anh hay chạy lên thư viện huyện mượn sách. Trong cuốn sách nào đó, có một doanh nhân nói ngàn năm rồi mà nông dân còn cày thay trâu! Người đó đã dạy anh biết mình phải xấu hổ và phải làm gì đó để giúp đỡ người nông dân.
Hậu còn nhớ cái ước mơ hồi nhỏ của mình với Hải chứ, cũng thương nông dân, cũng muốn bỏ việc văn phòng mà về quê với ruộng đồng, với con người dễ thương hiền hòa nhưng con tim không đủ thuyết phục lý trí quá tỉnh táo của Hậu. Hậu cảm thấy bất an không ngủ được khi nghĩ lúc về quê người ta nói mình bị “ba lơn” tự nhiên bỏ trọi cái cần câu, miếng cơm ngon lành trên thành phố để về quê làm nghề chết đói, Hậu sợ ba má nhìn mình với đôi mắt đau đớn và trách móc. Đôi lúc Hậu chỉ muốn chết để ngưng chịu đựng hết những thứ này, không cần phải lo việc mình bị dằn vặt giữa công việc mình khao khát và công việc nhàm chán đang làm. Nhưng Hậu nghĩ lại, chết rất thiếu trách nhiệm với cuộc đời của mình và tự đi chết vì không có đủ can đảm để đối đầu với những thứ đang đương đầu thì nhục lắm. Phải sống cho tới khi mình chết.
Nếu ước mơ vẫn chưa thực hiện được, sau này khi có con, Hậu sẽ để nó thực hiện thay mình…
* * *