Chùm tác phẩm:
TUỔI TRẺ- TÌNH YÊU- ƠN GỌI
Tác giả: MARTIN NGUYỄN THANH NGHỊ
377, tổ 8, ấp Thành Công, Vĩnh Thanh, Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Mặt trời một buổi sáng đầu tháng bảy lên sớm, ánh nắng chiếu xuống sân nhà nguyện Đan viện in rõ bóng hai người đang đi về phía cổng, Hậu đã xin hồi tục, anh bạn tiễn ra cổng bắt xe về quê. Cứ ngỡ cũng ngập ngừng và luyến tiếc như bao cuộc giã từ khác, nhưng đàng này Hậu bước nhanh, bước vội rồi giơ tay túm cái giỏ mà anh bạn đang xách dùm:
-“Tiễn tới đây được rồi, cậu vô lẹ đi Cha giáo đi tìm đấy!”
Anh bạn chẳng nói thêm được câu nào Hậu đã đi một mạch. Hậu đi nhanh cũng như quyết định chóng vánh của anh với lý do đơn giản là “chán tu!”.
Về quê chưa đầy một năm, Hậu đã có một cô bạn gái và một đứa con trai chưa đầy tháng. Bỗng chốc anh đi xa và biệt tăm, anh “mất tích” khỏi quê nhà như một sự chia tay không lời. Dù vội vàng chấm kết cho cái gia đình dang dở đó nhưng anh cũng đủ thì giờ để đặt tên cho thằng con trai: Hồ Lưu Ân.
Ân lớn lên và sống với ngoại từ nhỏ và nó thương bà, nghe lời bà nhất trên đời. Ngoại tên Hiền và bà sống cũng hiền như tên của bà. Sáng nào bà cũng xốc nó dậy đi lễ mi-sa, bà đèo nó trên chiếc xe đạp đầm cũ kĩ. 10 tuổi nó vào nhóm giúp lễ, khỏi cần ngoại đánh thức, sáng chiều nó tự vô nhà thờ, mong thằng bạn nào bỏ phiên để nó được giúp lễ thay. Xong cấp ba, con đường Đại học mở rộng, cái dáng cao 1m74 với khuôn mặt đẹp trai, nó chọn trường Đại học Hùng Vương, ngành Hướng dẫn viên du lịch.
Cũng như bao sinh viên lên Sài Thành ăn học, bận học có mà bận chơi cũng có, nó không còn đi lễ mỗi ngày và một tháng hên xui đi lễ Chúa Nhật được một lần. Ba năm đại học đã qua, chú giúp lễ ngày nào mỗi lúc mỗi mang nét thanh niên thời thượng, sành điệu, “đẳng cấp”, ăn chơi và đua đòi hơn. Cuộc sống giữa đời bồi đắp cho nó những kinh nghiệm đáng quý nhưng cũng lấy đi những điều mà tuổi thơ giữa xứ đạo nó từng có. Lần nào về quê, ngoại nó cứ ca điệp khúc: “Xưng tội chưa thằng quỷ, tuần rồi bỏ lễ nữa chứ gì?”. Nó nhe răng “cười trừ” coi như xong. Xin tiền xài tháng tới, nó lại xách xe “bắn” lên Sài Gòn.
Năm bốn gần hết tuy bận rộn nhiều hơn nhưng nó vẫn siêng về quê vì người mà nó thương nhất đang bệnh nặng. Cái gì trên mặt nó cũng đều giống bên nội, chỉ riêng cái miệng là y chang ngoại nó. Lần nào về tới nhà, nó đều chào ngoại bằng một tiếng: “Ngoạiiiiiiiii!” rồi bành miệng cười. Lần này ngoại không hỏi nó đi lễ chưa, xưng tội chưa, mà chỉ nắm tay nói nhỏ nhỏ: “Mới dzề hả con!”. Dì Út có cho nó biết về bệnh tình của ngoại nhưng nó vẫn cố gắng tỏ ra vui vẻ vô tư như mọi khi, còn chọc: “Làm gì mà bữa nay ngoại bết dzữ dzạ?” rồi lại bành miệng cười. “Tối nay đừng đi chơi nha mậy, ngoại nói chuyện với mày cái!”. Nó chẳng ừ chẳng hử, chỉ cười rồi ra sau rửa mặt.
Mới 5h chiều mà trời đã tối thui, dì Út giũ mùng vừa xong thì nó đã ngồi gọn trên giường của ngoại.
-“Lâu nay cha con có gọi điện không?”
-“2 tháng trước có gọi chút xíu à ngoại”
Ngoại “Ừ” một tiếng rồi thở dài thườn thượt.
Hai bà cháu nói chuyện mãi đến 9h khuya, mấy cái đèn bên nhà hàng xóm đã tắt tự bao giờ, ngoài sông mấy con nhái cứ ọp ẹp kêu. Tối nay ngoại đã kể với nó nhiều chuyện về cha mẹ nó. Cuối năm 1990, cha nó gặp mẹ nó và tới cuối tháng 11 năm 1991 thì nó chào đời, không cưới hỏi, không hôn phối. Cha nó mới hồi tục thì cũng gặp mẹ nó mới trong Dòng Phaolo “về đời”, hai người cùng cảnh ngộ “ta ru” họ thương nhau lẹ lắm, nhưng chỉ là thương còn yêu thì…chưa biết. Nghĩ ngợi hoài, nó cũng không biết phải làm sao để hiểu xa hơn, vì ngoài câu chuyện do ngoại kể thì cha mẹ nó chưa từng tâm sự với nó lần nào. 11h khuya, muỗi càng lúc càng cắn dữ dội, nó bèn đi vô ngủ bỏ dở những suy nghĩ lưng chừng.
Tốt nghiệp được một tuần thì dì Út báo tin ngoại nguy kịch, nó xin nghỉ làm chạy về gấp. Lần này ngoại không nói nổi nữa, lúc khỏe nhất thì bà nhắc đến cha mẹ nó:
-“Ngoại thương cha con, một thanh niên hiền lành đạo đức, dù không bền đỗ trong đời tu nhưng vẫn tốt lành giữa xóm làng. Khi mẹ con mang bầu, ngoại tưởng là cha con sẽ xin cưới, nhưng rồi cha mẹ con chia tay khi con còn chưa thôi nôi. Bây giờ mỗi đứa có gia đình riêng hết rồi. Ngoại có chết thì con muốn theo cha hay mẹ thì tùy con đó, miễn sao con đi lễ Chúa Nhật cho đủ”.
Giọt nước mắt hiếm hoi đã tràn qua mi mắt, nó không kiềm được nỗi lòng của mình như vốn giấu kín lâu nay. Vội quệt hàng nước mắt nó lại muốn tỏ ra vô tư bình thản nhưng trong thâm tâm nó cũng có trái tim thèm khát tình yêu thương của gia đình.
Hai tuần sau cuộc nói chuyện hôm đó, lúc nó đang ở Sài Gòn thì được tin ngoại qua đời. Người mà nó vẫn tin rằng thương nó nhất và cũng là người nó thương nhất đã lìa bỏ nó mà đi.
Nó tiếp tục bận rộn, lại bỏ lễ và cũng ít về quê hơn. Một chiều thứ bảy nọ nó giật mình, nhẩm nhẩm thì mai đã là giỗ 100 ngày của ngoại, nó tự nhắc mình: mai phải đi lễ. Xưng tội xong nó ngồi luôn ở hàng ghế cuối nhà thờ, lễ Chúa nhật đông nghịt mà nó cứ như một mình, suy nghĩ về ngoại, nó cô đơn và trống trải vô bờ. Người ta đứng dậy nghe Tin Mừng, nó cũng giật mình đứng lên: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,1-10).
Lễ xong, nó về nhà trọ mà thấy buồn rười rượi, gọi điện thoại xin nghỉ, nó xách xe chạy về quê, chẳng biết để làm gì, cứ ru rú ở nhà. Chiều thứ tư, tiếng chuông nhà thờ theo gió len qua những ngọn dừa lão rồi vô tình ghé vào tai, nó giật mình cứ như gặp lại một người quen. Luýnh quýnh khoác cái áo sơ mi vào rồi lật đật lấy xe đi lễ. Lễ chiều ngày thường vắng tanh, chỉ có vài ông bà già, mấy đứa thiếu nhi, nó vẫn thích ngồi tuốt dưới cuối nhà thờ. Giọng đọc khàn khàn của ông Cố sở thật khó nghe, chữ được chữ mất nhưng cũng nghe được một câu rõ ràng: “Phúc cho ai khao khát nên người công chính…” (Mt 5,1-12).
* * *
Một năm lẻ mười tháng rồi, hôm nay nó chính thức khoác lên mình tu phục của Tập sinh Dòng Xito. Ngày đó nó xin nghỉ việc, kéo dì Út vô nhà xứ xin đơn xác nhận Rửa tội, Thêm sức; từ một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long lên Sài Gòn rồi qua Cát Lái, nó đến gõ cửa xin tu Dòng chiêm niệm Xito Phước Lý. Không chia tay bạn bè, cũng chẳng chào dòng họ, nó âm thầm vào Dòng chỉ với một tâm niệm: viết nên lịch sử đời mình trong Ơn gọi Thánh hiến mà chính cha mẹ nó đã bỏ cuộc.
Bốn năm ba tháng, tập sinh Augustin tiên khấn. Nhà Dòng cho mời hai mươi khách, nó kêu dì Út muốn mời ai thì mời, nó chẳng mời riêng ai. Hôm đó có cả cha và mẹ nó dự lễ, mẹ thì đi cùng cha dượng, cha thì dẫn vợ của cha, nó nhìn họ rồi mỉm cười ngượng nghịu.
-“Mấy năm trước dì Út báo cha biết con xin đi tu, cha nghĩ con buồn về sự qua đời của ngoại nên quyết định nhất thời. Mấy đợt Tết cha hỏi dì thì biết con vẫn còn trong Dòng. Tháng trước dì báo cha biết con sắp khấn mà cha bất ngờ quá. Ở đây con có hạnh phúc không?”
Nó chẳng trả lời, chỉ mỉm cười và gật gật.
-“Đã gần 30 năm rồi cha mới trở lại đây, mọi thứ đã khác xưa rất nhiều”.
Hai cha con dạo một đoạn thì Cha viện phó Bảo Kiên từ trong nội vi bước ra, khi đến gần thì ngài “Ô” lên một tiếng với nét mặt ngỡ ngàng.
-“Hậu?! Có phải Hậu không?”
-“Ồ, Bảo Kiên, lâu quá không gặp!”
Thì ra Cha Bảo Kiên là bạn cùng lớp với cha nó, người đã tiễn chân cha nó cách đây nhiều năm mà suốt lâu nay không liên lạc.
Tròn một tuần sau ngày khấn, Cha Bảo Kiên gặp nó:
-“Cha không biết Hậu là cha của con. Cha con và Cha là bạn rất thân”.
-“Con không nghe cha con kể gì về nhà Dòng, chỉ nghe ngoại nói cha tu ở đây. Con cũng không muốn kể với ai về ông ấy”.
Nó kể sơ qua về gia đình, về ngoại và quyết định đi tu của nó. Đang kể thì quay qua hỏi:
-“Sao cha con lại quyết định hồi tục?”
Cha Bảo Kiên cuối mặt xuống đất như để giấu sự lúng túng, thở dài một cái rồi ngước lên trả lời nó:
-“Cha con là một người đầy nhiệt huyết, chân thành, rất nghiêm chỉnh trong các sinh hoạt, nhưng…thời gian là một thứ thách lớn, thiện chí xem ra mai một dần”, Cha nói tiếp. “Đa số chúng ta, ban đầu chọn lựa đời tu bằng những thích thú, lúc ấy nhiệt huyết cứ cháy bùng. Nhưng đời tu lại được xây dựng bằng những xác tín nội tâm chứ không chỉ bằng những sở thích cảm tính nhất thời. Kiên trì mới là chìa khóa của đời tu. Cha con đã từng yêu thích nhà Dòng và đời tu nhưng có lẽ những yêu sách của Ơn gọi đã đòi hỏi nơi anh quá nhiều”.
Hai cha con còn đang nói thì Thầy nhà khách bước tới:
-“Augus, xin Cha giáo rồi ra gặp khách nha!”.
Nó trố mắt nhìn Thầy, giờ này mà còn có ai xin gặp nhỉ?!
Vẫn mặc cái áo Dòng trắng, nó bước ra phòng khách, từ xa nó nhìn thấy một cô gái đang quay lưng về phía Đài Đức Mẹ, nó chưa nhận ra là ai. Vừa bước lên thềm thì cô gái quay lại, nó chẳng bước nổi lên bậc thềm thứ hai, nó không thể tin vào mắt mình nữa: “Thảo Nguyên!”- bạn gái của nó. 20h rồi 21h, Kinh Đêm xong khi nào chẳng biết, hai người cứ tâm sự tới khi đứa bạn của Nguyên thắng xe cái két ngay trước sân, gọi với vào: “Về mày ơi, trễ rồi, chút hết phà là thua luôn, về Sài Gòn cũng 10h á!”. Ngập ngừng nấn ná mãi Nguyên mới kéo ghế đứng dậy, nó tiễn hai cô gái ra về rồi thẫn thờ bước vào nội vi.
Về tới tu phòng, nó kéo ngăn tu lấy ra cái hộp, thổi bụi phù phù rồi rút ra xấp hình, những bức hình của nó và Nguyên thời còn hẹn hò. Ngày nó đi tu Nguyên khóc sướt mướt, giận hờn trách móc rồi lại năn nỉ xin nó đừng đi. Lễ khấn của nó, nó không dám mời Nguyên vì còn ám ảnh câu nói của Nguyên cái đêm chia tay gần năm năm trước, Nguyên vừa khóc vừa đăm đăm nhìn nó mà nói sẽ hận nó suốt đời. Tối nay Nguyên xuất hiện bất ngờ, nhưng điều bất ngờ hơn là suốt bấy lâu nay Nguyên đã âm thầm xuống nhà Dòng nhiều lần, suốt mấy năm nay Nguyên viết cả chục lá thư nhưng nó chẳng bao giờ nhận được. Chắc chắn rằng mỗi khi có khách và thư từ thì đều phải qua Cha Tập sư, Cha đã không nói với nó, chắc hẳn Cha có lý của Cha. Chống tay lên trán, nhìn mấy bức hình rồi tự cười nhạt một cái… nó không ngờ là Nguyên vẫn còn yêu nó và vẫn âm thầm đến Đan viện dù biết không được gặp, nó không ngờ Nguyên vẫn chờ đợi nó. Và nó cũng không ngờ là chính nó vẫn còn đang yêu Nguyên tới tận bây giờ. Nó biết rằng trên đời này, sau bà ngoại người nó thương thứ hai chỉ có Nguyên, thành thật với chính mình nó đã can đảm lắm và cũng đủ can đảm để xưng thú những lỗi lầm của nó với Nguyên. Hai đứa yêu nhau suốt mấy năm đại học, thắm thiết và nồng cháy, tình yêu của nó đủ lớn để tiếp tục chung thủy chờ đến tốt nghiệp sẽ cưới nhau. Ai ngờ nó đã “phản bội” Nguyên bằng quyết định “xuất gia”. Nó xin lỗi Nguyên rất nhiều nhưng nó không thể không chọn lựa đời tu bởi những sôi động tâm hồn mãnh liệt. Nó cũng chiến đấu triền miên suốt những năm qua mỗi khi ký ức cứ kéo về những ngày hạnh phúc có tình nhân trong vòng tay. Hôm nay nó đã là tu sĩ, lời khấn Khiết Tịnh càng làm nó quyết tâm hướng đến tình yêu đại đồng dành cho anh em, cũng chính là dành cho Thiên Chúa. Bỏ lại tình yêu không phải là chuyện dễ, cũng như tất cả những thử thách khác mà nó cố gắng suốt những năm qua. Nó không biết rằng sự từ bỏ là điều khó hơn mọi việc khó mà nó từng làm. Nào là bỏ đi cái thói công tử miền tây, bỏ cái phong cách thiếu gia cậu ấm. Sự khắc khổ của Đan viện là điều đầu tiên nó phải thích nghi, ngày nó bỏ cái quần jean và áo thun nó mê nhất, coi như một chiến công lẫy lừng nó làm được. 3h45 sáng đã phải thức dậy, nó đã ráng hết mức để đúng giờ thần vụ, hai tuần đầu tiên lúc mới vô Dòng nó đều vào nhà nguyện chót bét. Tất cả sự từ bỏ mà trước đây nó chưa từng nghĩ ai sẽ có quyền buộc nó thực hiện, không ngờ rằng Ơn gọi như một đam mê bền bỉ đã giúp nó vượt qua tất cả. Bỏ người yêu và sự khắc khổ chỉ mới là những màn tập dợt “tân binh”, những thử thách khác trong lời khấn còn nhiều hơn thế. Tuổi trẻ, tình yêu và ơn gọi, ôi sao mà gian truân quá. Sự trưởng thành của một người đúng là phải trả giá bằng tuổi trẻ!
Tối nay nó cho tư tưởng tự do rong ruổi để nhớ về những gì đã qua, nếm những gì còn lại và nắm chặt những thứ đang trong vòng tay. Đã hơn 12h khuya, tiếng thạch sùng tắt lưỡi làm nó giật mình kéo nó về hiện tại.
* * *
5h chiều, chuyến xe buýt cuối cùng vừa chạy qua cổng Đan viện, lẳng lặng bước vào cửa nội vi, nó vừa tiễn anh bạn cùng lớp mới xin giải lời khấn. Cửa Đan viện đã mở để đón nhận bao tâm hồn thiện chí và cũng mở để tiễn ai muốn chọn rẽ lối cuộc đời. Cũng như cha nó trước đây đã bước khỏi cánh cửa nội vi này, hôm nay chính nó lại tiễn một anh em ra về, nó thì…còn ở lại. Không biết nên vui hay nên buồn cho người anh em vừa hồi tục, riêng nó, mỗi lần tiễn chân ai thì nó đều thêm xác tín vào Ơn gọi của mình: trong ánh nhìn của Thiên Chúa nó tìm được câu trả lời về ý nghĩa sự hiện hữu của mình. Một đứa con ngoại hôn, một sinh linh không được chờ đợi, những vết thương của một đứa con thiếu vắng cha và mẹ, những tháng năm đầy vấp váp lỡ lầm,…thế nhưng “Trước khi cho con thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết con.” (Giêmêria 1,4-5).“Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thuở nên ta vẫn dành cho con lòng xót thương” (Giêmêria 1,4-6).
Chúa đã kêu gọi nó từ thuở nhỏ, thời gian qua đi như vùi hòn than Ơn gọi đó trong đống tro tục lụy, thế mà cơn gió Thần Linh đã thổi bùng ngọn lửa tận hiến từ hòn than ấy. Khát vọng sống tốt lành tưởng chừng đã chết nhưng vẫn là một trạng thái thường hữu ẩn tàn trong lòng người, cũng như mặt trời chỉ dường như lặn mất đối với con mắt phàm tục nhưng kỳ thực không bao giờ biến mất. Anh bạn của nó ra khỏi Đan viện, hướng về phía Sài Gòn xô bồ bát nháo và mất hút vào dòng chảy nhân sinh, riêng Augustin vẫn hiện hữu trong vị phận Thầy Dòng, đang viết nên lịch sử đời mình mà cha mẹ nó từng bỏ cuộc.
Tác phẩm:
ĐỨC TIN VÀ THỬ THÁCH
Tác giả: MARTIN NGUYỄN THANH NGHỊ
377, tổ 8, ấp Thành Công, Vĩnh Thanh, Nhơn Trạch, Đồng Nai.
“Anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện Đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, – vàng là thứ phù vân mà con phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giesu Kito tỏ hiện, Đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. Tuy chưa thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của Đức tin là ơn cứu độ con người”(1 Pr 1,6-9)
Tốt nghiệp mười hai em thuộc “dân có học” nhưng nhà nghèo em bỏ mộng học cao. Đi may, làm mướn, miễn sao có tiền, tới khi nào tìm được chỗ dựa. Chưa đầy hai năm Trường– anh chàng đạo Chúa ở nhà thờ bên sông- xin hỏi cưới, em gật đầu và hết lòng ngoan ngoãn: bỏ đi Chùa, theo học đạo và Giáo lý hôn nhân. Con đường mới đang chờ em phía trước.
Thế nào là Ba Ngôi mà Một Chúa, thế nào là cứu độ với phục sinh… Ôi đạo Chúa sao mà rắc rối để cuối cùng em chỉ thưa: “Con Tin!”. Em sốt sắng hơn anh chồng sắp cưới, chưa Rửa tội nhưng ngày nào em cũng đi lễ Misa, cầm theo cuốn Kinh Mục Lục em đọc được hết ráo! “Monica” một con người mới, em tái sinh trong ân sủng Chúa Trời, ngày Rửa tội ngập tràn bao hạnh phúc nhưng còn hạnh phúc khác chờ em: “Anh là ‘Phê-gô’ Nguyễn Xuân ‘Chường’ nhận em Monica Nguyễn Thị ‘Chang’ làm dzợ và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh dzượng cũng như lúc dzan nan, khi ốm đau cũng như khi mạnh phẻ, để yêu thương và tôn chọng em mọi ngày suốt đời anh”. Nước mắt giọt ngắn giọt dài thi nhau mà chảy xuống, thế là từ nay có có anh suốt đời…suốt đời.
Thế là từ nay em có Chúa để thờ, em biết Người hằng trông xuống nhân gian, Chúa dạy em luôn mến Chúa yêu người, người thứ nhất là anh chồng kề cận. Học làm vợ với em không phải khó vì em vốn công – dung – ngôn – hạnh đã lâu rồi. Học làm dâu em được lòng dòng họ,…nói chung là tân tòng hay là gái có chồng đều dễ… cho tới khi tiếng sét giáng xuống đầu: “Chồng mày có vợ bé”…
Chuyện là… Hai tháng trước Trường chở em xuống thị trấn siêu âm, anh hí hửng vì nôn nao con cái. Kết quả: cái bầu là gái, anh hục hặc bỏ vợ chửa ở lại mà một mạch đi về. Vừa buồn vừa tủi, em đâu làm gì có tội, sao chồng đành hất hủi cả mẹ con? Trường ngoại tình, người ta rỉ tai nhau và em cũng biết, em không tin và vẫn cứ hiền hòa…cho đến khi Trường đi đâu biệt tích, thế là…chồng nhà đạo phụ tình em.
Mẹ em qua chưởi bới tơi bời đòi rước em về nhà nuôi đẻ. Em khóc và chỉ biết khóc thôi rồi quả quyết vẫn cứ ở bên chồng, đã là phu thê suốt đời không thay đổi. Má chồng xấu hổ vì con trai, một đứa con nhà đạo Giáo lý đàng hoàng mà đành bỏ xứ theo tình nhân. Bà khuyên em muốn ở đâu thì chọn, má chồng hay mẹ ruột đều cưu mang, em nhỏ nhẹ: “Bên đây con dễ dàng đi lễ, dzề bển rồi con nặng bụng khó đi”. Tới lúc này em vẫn tin có Chúa, em vẫn thờ một Thiên Chúa xót thương. Tràng chuỗi hạt em treo ngay ở cửa, đi qua là nhìn, bước lại thì niệm “Ave…”. Em còn nhớ mẹ em từng chưởi: “Đ.* m.* mày ngu, nó bỏ mày mà mày còn đi lễ, chồng có đạo mà có tốt hơn mày đâu!?” Em ngập ngừng tự hỏi: “Chồng bỏ mình, Chúa cũng bỏ mình chăng?”. Chiều thứ bảy em xuống nhà thờ lần hạt rồi nguyện thầm: “Xin Chúa đừng bỏ rơi con!”.
Sinh đứa con gái đầu lòng em vui mừng hạnh phúc nhưng cũng thương khóc vì đứa trẻ vắng cha, em nhớ Trường và luôn nhủ lòng hy vọng, em mong chồng về để sum họp với mẹ con. Để giữ lòng chung thủy chờ chồng phải đâu là chuyện dễ, có nhiều người đã ngỏ ý rước mẹ con, “gái một con trông mòn con mắt” em vẫn đương xuân và dư sức có chồng, nhưng rồi làm sao chung thủy, làm sao rước lễ nữa đây. Em kiên tâm trong dây hôn phối đời mình, suốt cuộc đời chỉ có chồng là chồng thôi.
Một buổi chiều lặng lẽ, ngoài đường xe cộ lúc đông lúc vắng, tôi đi dạo ra đài Đức Mẹ và thấy em. Em làm dấu Thánh giá rồi cũng cầm tay con nhỏ vẽ Thánh giá trên mình nó…
- Thưa Thầy! – thấy tôi em luýnh huýnh đứng dậy.
- Chào em! Hai mẹ con đi viếng Đức Mẹ đó hả, con bé được mấy tháng rồi há?
- Dạ được bốn tháng rồi Thầy…
Cũng như mọi khi, em kể tôi nghe công chuyện của mình rồi hỏi tôi mấy câu Giáo lý. Là Thầy giúp xứ, tôi dạy Giáo lý dự tòng và dự bị hôn nhân cho em. Trong số các học viên, em là học trò sáng trí và cũng đơn sơ. Có lần trong giờ lớp em đứng lên hỏi:
– “Trước khi con rắn bị phạt bò bằng bụng thì nó có chân hả Thầy?!”
– Tôi cứng họng!
Tôi biết nhiều học viên của tôi đã bỏ nhà thờ, đứa rối hôn phối, đứa nguội lạnh,…tất cả những chuyện đó làm tôi càng cảm phục em.
Em chào tôi rồi ẳm con ra về, tôi đứng nhìn theo bóng em khuất dần vào ngỏ vắng, mấy bụi dừa nước xạc xào lối em đi… Tôi cuối mặt lẳng lặng bước về phòng, ngồi vào bàn làm việc mà cứ nghĩ về em… Một cô gái đương xuân khát khao tình yêu và hạnh phúc, em những mong có chỗ dựa cuộc đời. Hôn phối với một người có đạo, em kiên cường bỏ lại lề thói bên lương. Lam lũ giữa đời, tất cả cho gia đình nhỏ bé, cứ tưởng rằng: hết lòng thì cũng được đền đáp xứng công, ai nào ngờ sự phản bội ngang trái. Giữa cơn quẫn bách của kẻ bị chồng bỏ, ai ai cũng nghĩ em cũng thẳng thừng đoạn tuyệt, em khiến mọi người lầm vì em vẫn giữ nết na và nhẫn nhục. Mấy chục tiết Giáo lý đủ để em biết mình tin ai, thờ ai và sống thế nào nhưng dường như chưa đủ để em chấp nhận và vượt qua đau khổ, không ít lần em quằn quại giữa oán than. Lần đó em gõ cửa phòng tôi rồi khóc lu bù: “Sao Chúa của chồng không giữ ảnh thủy chung?”.
Đống sách giáo khoa thần học tôi đem về từ Chủng viện, những kiến thức khoa bảng của tôi đứng trước thực tại nhân sinh bỗng dưng câm lặng. Những lời than khóc của em, những câu hỏi của em về Chúa, Thiên Chúa ở đâu khi em đang đau khổ thế này? Tôi chỉ có thể ngồi im nghe em giải bày thổ lộ vì xem ra em cần đồng cảm hơn những giải đáp giáo khoa. Và cũng bởi vì tôi tin rằng em đã sống một “thuyết thần bí dân gian” đó là lòng đạo đức bình dân mà em có, là khát khao Thiên Chúa của tâm hồn đơn sơ, là cảm thức Đức tin mà em nhận được – “Thiên Chúa không ẩn mình đối với những ai tìm kiếm Người bằng một con tim chân thành dù họ đang mò mẫm”. Em đều đặn đi nhà thờ, rước lễ. Giáo xứ như trạm dừng chân, cho em bóng mát và nước uống để tiếp tục cuộc hành trình. Lời Chúa đã thực sự nhập thể vào cuộc đời em, để em sống như Ý Cha trên trời dù cuộc đời em đầy thử thách.
Vẫn là em, mỗi chiều thứ bảy ẳm đứa con đứng trước tượng Đức Mẹ, em làm dấu Thánh giá rồi cũng cầm tay con mình vẽ Thánh giá cho nó. Bên Thập Giá Chúa Kitô, mỗi ngày em lặp lại lời cam kết ưng thuận của tình yêu cho đến suốt đời. Tất cả là hùng tâm dũng chí của một con người đầy nghị lực và Đức tin.
Bước đường mục vụ của tôi sẽ còn dài, dù đi đến đâu tôi cũng sẽ nhớ về em và nói về em: cô tân tòng có Đức tin mạnh mẽ.
Ôi Chúa siêu vời mắt phàm con chưa thấy
Vẫn cậy tin, tình yêu vẫn nồng say,
Chính Chúa hy vọng đường con đi đến cùng
Chúa và con, cuộc tình mãi tháng ngày.
Ai sẽ cho con vui niềm vui trong Chúa
Cõi lòng Chúa, nguyện xin Chúa ngự thăm,
Đốt cháy lửa hồng sưởi con tim giá lạnh,
Lấy Lời Thiêng mà bồi dưỡng tâm hồn.
(Thánh thi)
* * *